Quỹ tương hỗ – Quỹ đầu tư là gì? (mới 23-9-2020)

Quỹ tương hỗ – Quỹ đầu tư là gì?

Nó hoạt động như thế nào?

uu-nhuoc-diem-quy-tuong-ho-mutual-fund

Quỹ tương hỗ – Cũng có thể gọi với 1 cái tên khác cho nó gần gũi hơn, dễ hiểu hơn, chính là: Quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư là 1 hình thức đầu tư theo kiểu tập trung tiền (tiền mặt) của rất nhiều người lại vơi nhau, rồi sau đó tiến hành mua cổ phiếu, trái phiếu, và nhiều tài sản tài chính khác… Chủ yếu là để mang lại lợi thế đa dạng hóa, với mong muốn cuối cùng vẫn là: Sinh lời tốt nhất, rủi ro thấp nhất. 

Khác với cổ phiếu của từng công ty riêng lẻ, khi mua cổ phiếu bạn hoàn toàn có thể bắt gặp những tình huống phá sản mất toàn bộ số tiền đã đầu tư. Tuy nhiên, với trường hợp của Quỹ đầu tư thì những tình huống mất trắng là rất hiếm xảy ra. (Hiếm chứ không phải không có đâu nhá).

Nếu bạn muốn đầu tư số tiền nhàn rỗi hay số tiền tiết kiệm tích cóp được của mình, nhưng lại không muốn gặp phải những tình huống mất sạch sành sanh như bạn thấy & tưởng tượng ở trong phim ảnh. Thì các quỹ đầu tư có thể giúp bạn hạn chế gần như là tối đa việc đó. Mặc dù những điều bạn thấy ở trong phim ảnh – chẳng mấy khi xuất hiện ngoài đời thực. Nhưng dù sao thì đó là tiền của bạn, bạn có toàn quyền tự quyết định lấy.

Phương pháp chung mà đại đa phần các quỹ đầu tư đều dùng, chính là 3 chữ: Đa dạng hóa. Cũng không quá khó hiểu lắm đâu. Đa dạng hóa tức là chia nhỏ ra. Thí dụ như việc gửi ngân hàng, nếu cảm thấy việc gửi toàn bộ số tiền bạn có vào 1 ngân hàng duy nhất là rủi ro, thì đa dạng hóa chính là chia số tiền đó ra thành nhiều phần, rồi gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau. Đa dạng hóa thì chỉ cần hiểu đơn giản thế thôi.

Quỹ tương hỗ – Quỹ đầu tư là gì?

quỹ tương hỗ - cổ phiếu

Quỹ đầu tư là nơi tập hợp tiền từ một loạt các nhà đầu tư khác nhau, chủ yếu là để đầu tư vào một phân nhóm lớn của tài sản nào đó. Thí dụ như quỹ đầu tư vào trái phiếu, quỹ đầu tư vào cổ phiếu, hay thậm chí là quỹ phái sinh, cũng có khi là tất cả – nhưng vẫn có 1 phân nhóm tài sản nào đó chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn… Lý do chính yếu thường gặp nhất, là bởi vì các quỹ đầu tư được điều hành bởi một hoặc một nhóm các chuyên gia nhất định. Người điều hành sẽ đưa ra các quyết định mua, bán, hay tiếp tục nắm giữ… Sao cho phù hợp nhất với mục tiêu chung của cả quỹ. Điều đó cũng có nghĩa là việc điều hành quỹ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức – kinh nghiệm của nhóm người điều hành.

Các nhà đầu tư – người góp tiền vào quỹ, tất cả họ sẽ cùng nhau chia sẻ về lợi nhuận & thua lỗ. Điều này giúp phân tán rủi ro từ các khoản đầu tư xấu, và theo thời gian, họ cũng sẽ cùng nhau gặt hái tổng lợi nhuận của quỹ.

Người tham gia quỹ thường phải trả phí hàng năm cho việc điều hành quỹ, được gọi là tỷ lệ chi phí. Dựa trên một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị cổ phiếu của người tham gia. Những khoảng chi phí là lệ phí này, là điều tối quan trọng mà bạn cần đọc thật kỹ, tham khảo thật chi tiết, trước khi đưa ra quyết định tham gia vào quỹ nào đó. Bởi vì đó chính là tất cả những gì bạn cần làm, còn những công việc khác như nghiên cứu thị trường chứng khoán, phân tích tình hình thực tế, theo dõi các diễn biến thị trường… Bạn không cần phải lo về những khoảng đó, khi tham gia quỹ nữa.

Những lợi ích của một quỹ tương hỗ là gì?

Có hai lợi ích chính khi đầu tư (tham gia) vào các quỹ tương hỗ – quỹ đầu tư:

+ Sự đơn giản: Một khi bạn tìm thấy một quỹ đầu tư với những khoảng chi phí phù hợp, mà bạn cảm thấy là hợp tình hợp lý. Công việc của bạn gần như là đã xong xuôi rồi. Phần việc còn lại, hãy để các nhà quản lý điều hành quỹ chuyên nghiệp thực hiện giúp bạn.

+ Đa dạng hóa: Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của đầu tư. Và các quỹ đầu tư đều làm rất tốt công việc đa dạng hóa này. Điều đó cũng có nghĩa rằng: Trường hợp mất sạch tiền là rất hiếm xảy ra.

Bất lợi chính cho các quỹ đầu tư là các khoảng chi phí và lệ phí. Có những khoảng phí mà người tham gia phải trả mà bất kể kết quả đầu tư của quỹ là như thế nào.

Theo thời gian, mọi sản phẩm tài chính đều có xu hướng tăng giá. Cho nên bạn không nhất thiết phải quan tâm suy tư nhiều đến tỷ suất sinh lời. Miễn là đảm bảo được rằng: Nó không phá sản mất sạch. Giống như câu nói: Sống lâu năm, tự nhiên sẽ thành huyền thoại. Điều trọng tâm nhất khi tham gia quỹ đầu tư, vẫn là câu đó: Các khoảng chi phí và lệ phí.

Các quỹ tương hỗ sinh lời như thế nào?

thị trường tài chính

Khi bạn đầu tư, tham gia vào một quỹ tương hỗ, bạn có thể sinh lời từ ba nguồn chính như sau:

+ Thanh toán cổ tức: Khi quỹ đầu tư nhận cổ tức từ các doanh mục tài sản mà quỹ đang nắm giữ. Quỹ sẽ có trách nhiệm phân phối các khoảng cổ tức này về lại cho người tham gia quỹ. Ở 1 vài trường hợp, các quỹ đầu tư sẽ cho phép bạn lựa chọn: Nhận khoảng tiền này, hoặc là tái đầu tư vào quỹ. Cũng có trường hợp không có sự lựa chọn nào cả, mà bạn bắt buộc phải nhận về, hoặc bắt buộc phải tái đầu tư (cần đọc kỹ điều khoản của quỹ đầu tư khi tham gia).

+ Tăng trưởng doanh mục đầu tư: Khi doanh mục của quỹ đầu tư tăng giá, đó được xem là 1 khoản lãi. Trong trường hợp người điều hành quỹ bán nó đi và thu về lợi nhuận. Hiển nhiên, mức lợi nhuận này sẽ được phân bổ đồng đều về lại cho người tham gia quỹ. Và chắc chắn rồi, trường hợp không vui là khi doanh mục bị giảm giá cũng tương tự như vậy.

+ Giá trị tài sản ròng (NAV): Khi giá trị doanh mục của quỹ tăng lên, giá trị tài sản ròng của quỹ cũng tăng lên theo. Nhưng người điều hành chưa bán nó đi, điều này không giúp bạn nhận được lợi nhuận ngay lập tức, nhưng bạn biết là khoản đầu tư của bạn đang sinh lời. Và nếu muốn, bạn có thể tự quyết định bán nó đi (đọc kỹ quy định của quỹ).

Mỗi 1 quỹ đầu tư, thực chất là 1 công ty riêng, với những quy định riêng. Do đó bạn cần đọc kỹ, hỏi kỹ trước khi tham gia.

Các quỹ tương hỗ có an toàn không?

Tất cả các loại hình đầu tư đều hàm chứa những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản nhất của các quỹ đầu tư là đa dạng hóa. Do đó trường hợp bị mất toàn bộ là điều cực kỳ hi hữu. Ngoài ra đầu tư là một quá trình đòi hỏi cần phải có thời gian, hãy đầu tư bằng những khoản tiền mà bạn chắc chắn rằng sẽ không cần đến nó trong vòng vài năm sắp đến. Bởi lẽ bạn cũng chẳng muốn phải bán đi các khoản đầu tư của mình trong tình huống tồi tệ mất giá trầm trọng mà phải không?

Các quỹ tương hỗ đầu tư vào cái gì?

Một số quỹ tương hỗ – quỹ đầu tư tập trung vào một loại tài sản duy nhất, chẳng hạn như cổ phiếu hoặc trái phiếu, trong khi một số khác đầu tư vào nhiều loại. Sau đây là các loại quỹ tương hỗ thường gặp:

+ Các quỹ chứng khoán (vốn chủ sở hữu): Mang rủi ro lớn nhất, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều lợi nhuận tiềm năng lớn nhất. Những biến động ngắn hạn trên thị trường có thể tác động rất mạnh đến lợi nhuận của các quỹ đầu tư. Có một số loại quỹ đầu tư, chẳng hạn như: Quỹ tăng trưởng, quỹ thu nhập và quỹ ngành.

+ Các quỹ trái phiếu (thu nhập cố định): Ít rủi ro hơn các quỹ chứng khoán. Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, vì vậy bạn nên nghiên cứu từng quỹ tương hỗ riêng lẻ để xác định mức độ rủi ro liên quan đến nó.

+ Các quỹ lai tạp, quỹ đa dạng: Đầu tư vào hỗn hợp cổ phiếu, trái phiếu và nhiều sản phẩm chứng khoán khác. Trường hợp đặc biệt là dạng quỹ của quỹ – Tức là quỹ đầu tư vào các quỹ tương hỗ khác.

+ Các quỹ đầu tư có tính chất chính quyền: Có lợi nhuận thấp nhất vì chúng mang rủi ro thấp nhất. Các quỹ này thường được gặp như: Trái phiếu siêu ngắn hạn, trái phiếu lãi suất thả nổi, trái phiếu chống lại lạm phát v.v… Thường được phát hành bởi chính phủ Hoa Kỳ hoặc các tập đoàn rất lớn của Hoa Kỳ.

Cách quản lý quỹ: Chủ động & thụ động

uu-nhuoc-diem-quy-tuong-ho-mutual-fund-1

Cho dù quỹ tương hỗ thuộc loại nào đi chăng nữa, thì mức chi phí và lệ phí của nó phụ thuộc rất nhiều vào việc quỹ được quản lý theo cách nào: Chủ động hoặc là thụ động.

+ Quản lý quỹ thụ động: Quỹ sẽ đầu tư theo một chiến lược sẵn có. Quỹ thụ động không cố gắng đánh bại chỉ số thị trường, mà luôn cố gắng bám theo càng sát càng tốt những chỉ số thị trường cụ thể nào đó. Vì vậy do đó quỹ thụ động đòi hỏi rất ít kỹ năng đầu tư, cho nên thông thường quỹ thụ động sẽ có mức phí thấp hơn so với quỹ quản lý theo kiểu chủ động. Thường thấy nhất là: Index funds (quỹ chỉ số, thí dụ như S&P500) và Exchange-traded funds (quỹ ETFs, thí dụ như SPY).

+ Các quỹ được quản lý chủ động: Quỹ chủ động cố gắng tìm đủ mọi cách để đánh bại – vượt trội hơn các chỉ số thị trường. Do đó, quỹ chủ động mang tiềm năng lợi nhuận cao hơn, và đồng thời cũng hàm chứa nhiều rủi ro hơn.

Trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng: Những chiến lược đầu tư thụ động thường mang lại lợi nhuận tốt hơn .

Đôi lời cuối cùng về chi phí quản lý quỹ

Thông thường, người tham gia quỹ sẽ phải chi trả 2 khoảng phí: Phí thường niên và phí hiệu quả.

+ Phí thường niên: Tức là người tham gia quỹ phải trả định kỳ, mà bất kể kết quả đầu tư của quỹ là như thế nào… Dù cho là thắng lợi hay thua lỗ đều phải trả.

+ Phí hiệu quả: Nói cho dễ hiểu là phần trăm hoa hồng trên lợi nhuận sinh ra được, từ kết quả đầu tư của quỹ. Tức là sinh lời thì mới cần trả, thua lỗ thì khoản này miễn bàn.

Ngoài ra, cũng có thể tồn tại những khoảng chi phí khác như: Phí tham dự, phí rút ra khỏi quỹ v.v… Vẫn là câu đó: Nên tìm hiểu thật kỹ, đọc thật kỹ, hỏi thật kỹ… Trước khi bạn quyết định tham gia. Bởi vì đó là thứ duy nhất bạn cần phải làm.

Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo!

No Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *