Giấc mơ Mỹ và đợt khủng hoảng toàn cầu năm 2008

Chắc hẳn trong ký ức của nhiều người vẫn còn chưa quên được cảm giác đau khổ của đợt khủng hoảng toàn cầu năm 2008 với điểm nhấn trọng tâm bắt nguồn từ đợt khủng hoàng nhà đất bất động sản của Mỹ.

giấc mơ mỹ

Thời đấy, đi đến đâu bạn cũng sẽ nghe thấy vụ này: Giấc mơ Mỹ (American Dream). Những ý nghĩa cao xa và vĩ đại của giấc mơ Mỹ thì tôi xin phép tạm thời bỏ qua. Vào khoảng thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng 2008, giấc mơ Mỹ được hiểu theo tại thời điểm đấy tức là:

+ Mọi người đều có nhà để ở, chỉ bằng vài ngàn hay thậm chí là vài trăm đô la.

+ Mọi người đều có tiền để xài, bằng cách khai thác từ ngôi nhà mà bạn đang ở. (tác giả không chơi chữ ở đây nhé. Khai thác từ ngôi nhà mà bạn đang ở, chứ không phải là khai thác từ ngôi nhà của bạn.)

Wow, có nhà để ở, có tiền để xài. Như thế mà không gọi là đẹp như mơ thì gọi là gì nào? Quá tốt đẹp, cho đến khi khủng hoảng 2008 xảy ra. Lý do khủng hoảng thì theo các chuyên gia mà nói thì nhiều lắm, nhưng cá nhân tôi cho rằng: trọng tâm của vấn đề chính là chuỗi thức ăn tài chính cho vay thế chấp này, nó có chuỗi như sau:

MBS → ABS → CDO → CDS

Và để cho bạn có thể dễ hiểu nhất, tôi sẽ cố gắng hết mức có thể, chỉ dùng những ngôn từ bình dân nhất, cách viết y như đang nói chuyện với bạn vậy. Chúng ta bắt đầu nhé.

MBS (Mortgage Backed Securities)

MBS

Bắt đầu từ việc các ngân hàng thương mại đồng ý cho phép người đi vay tiền để mua bất động sản, nhưng họ lại không có tiền hoặc là có rất ít tiền.

Giải pháp của các ngân hàng thương mại là cho họ vay tiền để mua bất động sản đó, nhưng phải lấy chính bất động sản mà họ mới mua đó làm thế chấp.

Ngân hàng thương mại suy nghĩ: khách hàng đang muốn mua nhà, nhưng lại không có tiền vào lúc này. Thế thì tại sao ngân hàng không mua căn nhà đó trước, rồi bán lại theo hình thức trả chậm, trả sau hay trả góp cho khách hàng. Khách hàng có nhà, ngân hàng có tiền lời (cổ tức ăn đứt lãi suất ngân hàng). Đôi bên đều vui vẻ.

Tuy nhiên các ngân hàng thương mại này cũng không có ngu, với những ai có thu nhập cao và ổn định thì đương nhiên họ sẽ có khả năng trả góp tiền hàng tháng. Nhưng với những ai có thu nhập thấp hay là đang thất nghiệp thì sao? Ngân hàng vẫn đồng ý cho những người không có thu nhập hay những người thu nhập thấp này vay tiền mua bất động sản.

Nhưng phía ngân hàng cảm thấy với các khoản vay cho những người có thu nhập thấp này có tính rủi ro rất cao. Chính vì vậy, để phân tán rủi ro của chính mình thì các ngân hàng thương mại đã bán lại những hợp đồng vay nợ này cho bên thứ 3 (có thể là 1 ngân hàng khác, hay là 1 quỹ đầu tư, quỹ tín dụng, v.v…)

Để đơn giản, tôi xin phép được thay thế các khoản vay cho những người có thu nhập thấp hay những người không có thu nhập này thành những ngôn từ ngắn gọn hơn là: khoản vay dưới chuẩn. Đó chính là MBS.

Việc mua bán các hợp đồng khoản vay dưới chuẩn MBS có thể là toàn bộ hoặc 1 phần. Toàn bộ tức là bên thứ 3 mua lại toàn bộ hợp đồng khoản vay dưới chuẩn đó. Còn 1 phần tức là bên thứ 3 chỉ mua lại 1 tỷ lệ phần trăm nào đó trong hợp đồng khoản vay dưới chuẩn đó thôi, và cũng chỉ được hưởng 1 tỷ lệ phần trăm tiền lời tương ứng khi người đi vay trả lãi hàng tháng mà thôi.

ABS (Asset Backed Securities)

Các MBS được mua bán với bên thứ 3, thực chất chỉ là các khoản vay dưới chuẩn mà thôi. Còn các khoản vay của người có thu nhập cao và ổn định, hay nói dễ hiểu hơn là các khoản vay mang tính chất là kèo thơm thì các ngân hàng giữ lại. Còn các khoản vay rủi ro, các khoản vay dưới chuẩn thì mới đem bán cho bên thứ 3.

Phát triển thêm 1 bước cao hơn, các MBS này được trộn chung và gộp lại với các khoản vay khác, như là: vay mua xe, vay tiêu dùng, vay xây dựng… Hay nói cách dễ hiểu hơn là thế này: 1 đống phân lại được trộn chung với 1 đống phân khác. Các khoản vay dưới chuẩn này được trộn chung với nhau để tạo ra 1 hệ thống bùi nhùi về các khoản vay dưới chuẩn.

Đống phân hỗn tạp đó được gọi là ABS.

CDO (Collateralized Debt Obligations)

Tiến thêm 1 bước cao cấp hơn. Đống phân hỗn tạp mang tên ABS đó được đóng gói và dán nhãn mác tốt đẹp. Khi đó chúng được tồn tại dưới dạng một danh mục vốn đầu tư (Portfolio). Để cho dễ hiểu và dễ tưởng tưởng thì bạn coi các ABS này được cổ phần hóa và được biến thành ngang hàng với các cổ phiếu bình thường được giao dịch qua lại với nhau.

Collateralized Debt Obligations (CDO)

Bạn thấy không? Đó quả là ma thuật, từ 1 đống phân hỗn tạp đó, giờ đây nó ngang hàng với cổ phiếu. Sau quá trình chuyển đổi ma thuật đó, nó có tên mới là CDO.

Các CDO này được phân chia cấp độ theo nhiều cách thức khác nhau. Có CDO sẽ được ưu tiên trả nợ trước, ngay sau khi người đi vay vỡ nợ (tức là người đi vay không thể duy trì khả năng trả được nợ và lãi hàng tháng ấy, đó là chuyện sớm muộn thôi, vì toàn là các khoản vay dưới chuẩn cả mà). Cũng có CDO được phân chia theo tiêu chuẩn như: AAA, AA+, AA-, BB, B+ v.v… (nói thêm rõ hơn để bạn được biết AAA không phải là cái tốt nhất, mà AAA chính là cái tốt nhất của cái tốt nhất, 1 đống phân hỗn tạp được dán nhãn mác là tốt nhất của cái tốt nhất).

CDS (Credit Default Swap)

Credit Default Swap

Đương nhiên, dân tài chính thì thực sự mà nói thì không ai ngu cả. Có thể là do họ không để ý, chưa phát hiện hay chỉ là do lòng tham thôi thúc họ mà thôi.

Khi các CDO này được giao dịch quá nóng đến mức đáng lo ngại, các nhà đầu tư bắt đầu công cuộc chuẩn bị phòng chống rủi ro cho bản thân. Họ tiến hành mua các “hợp đồng bảo hiểm” cho các khoản CDO của mình, mục đích là để phòng hờ trường hợp các CDO này xuống giá.

Và cái hợp đồng bảo hiểm cho các CDO này chính là CDS. Nhà đầu tư, tức là những người đang nắm giữ các CDO này sẽ chi trả ra 1 số tiền nhỏ nhằm đảm bảo là nếu các CDO của họ đang nắm giữ mà xuống giá thì họ sẽ được đền bù xứng đáng.

Điều đặc biệt ở đây là các công ty bán ra các hợp đồng bảo hiểm CDS này, hoàn toàn không bị kiểm soát bởi bất cứ 1 điều luật hay thông lệ nào cả. Họ muốn bán bao nhiêu bảo hiểm CDS này cũng được. Điều này vi phạm trầm trọng các điều luật về ngành bảo hiểm thông thường. Ngoài ra, những người có nắm giữ CDO được mua bảo hiểm CDS thì không nói, mà kể cả những người không nắm giữ CDO cũng được quyền mua các hợp đồng bảo hiểm CDS này. (Đây chính là yếu tố tiền thân để sau này phát triển cao hơn thành cái được gọi là hợp đồng quyền chọn – Options của ngày nay đấy bạn).

Khủng hoảng toàn cầu năm 2008

Lịch sử thị trường chứng khoán đã trải qua bao nhiêu đó năm tháng, đã hứng chịu biết bao nhiêu là đợt sụp đổ nhưng dường như con người vẫn không học được bài học gì từ lịch sử đó cả. Cái gì lên quá thì nó cũng sẽ đến lúc phải xuống thôi, lịch sử đã nói như thế rồi mà.

khủng hoảng kinh tế 2008

Khi các CDO này bắt đầu xuống giá, những người mua các hợp đồng bảo hiểm CDS đòi thực hiện quyền lợi của mình. Thế là các công ty, các quỹ tài chính, các ngân hàng trước đây đã bán các hợp đồng bảo hiểm CDS này phải chi ra một lượng tiền lớn kinh khủng để chi trả. Đó chính là dấu hiệu bắt đầu cho cuộc khủng hoảng 2008.

Có rất nhiều công ty khổng lồ đã buộc phải giải thể, phá sản hay phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính phủ. Đó chính là phát súng đầu tiên bắt đầu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các công ty lớn phá sản, tạo ra thất nghiệp hàng loạt, thất nghiệp hàng loạt thì xã hội lại càng không có tiền để trả lãi vay nợ hàng tháng từ các khoản vay dưới chuẩn.

Các khoản vay dưới chuẩn (MBS) bị xấu đi nhanh chóng hơn, ảnh hưởng mạnh đến tổng thể của nó tức là ABS. Khi càng ngày càng có nhiều ABS xấu đi, mọi người dần nghi ngờ các CDO và lại tiếp tục làm cho giá của các CDO lao dốc không phanh. Các CDO lao dốc thì mọi người lại càng đổ xô vào các hợp đồng bảo hiểm CDS. Các hợp đồng bảo hiểm CDS này lại không thể được giải quyết hoàn toàn, và lại thất nghiệp, rồi lại ảnh hưởng ngược lại đến cái tài sản cơ sở là MBS. Cứ thế vòng lặp này lớn dần, lớn dần lên đến mức đủ để tạo thành 1 đợt đại khủng hoảng.

Vào năm 2008, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên nhanh chóng và không ngừng gia tăng liên tục trong suốt quá trình khủng hoảng diễn ra.

Tỉ lệ phần trăm thất nghiệp

Tỉ lệ phần trăm thất nghiệp ở Mỹ từ năm 2007 đến 2009

Như bạn đã biết, khi Mỹ hắt hơi là cả thế giới cảm lạnh. Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã được bắt đầu với cuộc khủng hoàng nhà đất bất động sản của Mỹ vào năm 2008.

Bạn học hỏi được điều gì từ lịch sử khủng hoảng 2008 này chứ? Nào, đừng tiết kiệm vài lời bình luận với tác giả như thế chứ? Ít ra thì khi bạn thấy hay và có ích thì hãy để lại bình luận là “hay” thôi cũng được mà. Tác giả có thể viết ra cả bài viết hơn cả ngàn chữ này để bạn xem, bạn lại tiết kiệm vài chữ bình luận thì coi sao được.

Comments

  1. By nguyễn thanh tài

    Reply

  2. By NHT

    Reply

  3. By khoa huynh

    Reply

  4. By Thanh Phong

    Reply

  5. By Tam

    Reply

  6. By Nguyễn Phương Nam

    Reply

  7. By Trung

    Reply

  8. By Trần Thương

    Reply

  9. By VDT

    Reply

  10. Reply

  11. By Phi

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *