3 thuật ngữ tài khoản mà người đầu tư và người giao dịch phải phân biệt được
Posted in Chiến Lược, Chứng Khoán, Option, Tư Duy By Vương Huy Đạt On July 15, 2021Ba (03) thuật ngữ tài khoản chứng khoán mà người đầu tư – đặc biệt là người giao dịch (trading) cần phải phân biệt rõ ràng. Bởi vì nếu hiểu lầm sẽ gây ra những ảnh hưởng không hề nhỏ, đó chính là:
+ Account Value (giá trị tài khoản)
+ Cash Value (giá trị tiền mặt)
+ Purchasing Power or Buying Power (sức mua)
Các công ty môi giới – đặc biệt là các công ty môi giới trực tuyến (online) ngày nay, phải nói là cực kỳ phổ biến luôn rồi. Đơn giản vì nó nhanh – lẹ – gọn.
Chỉ cần ngồi tại nhà, mở một thiết bị điện tử nào đó, rồi truy cập vào các nền tảng giao dịch được bảo mật như web, phần mềm, hay ứng dụng là có thể tiến hành giao dịch ngay lập tức. Ngoài ra, khả năng vay vốn hay giao dịch ký quỹ cũng được tiếp cận 1 cách vô cùng đơn giản và dễ dàng.
Tuy nhiên, đối với những tài khoản ký quỹ (margin) – Nói trắng ra là vay tiền. Thường sẽ có khá nhiều thuật ngữ được hiện thị trên bảng cân đối tài khoản giao dịch. Điều này làm cho những người mới tham gia thị trường rất dễ bị nhầm lẫn. Đôi khi gây nên những ảnh hưởng không đáng có.
Trong đó, quan trọng nhất và phổ biến nhất chính là 3 thuật ngữ này: Account Value (giá trị tài khoản), Cash Value (giá trị tiền mặt) và Purchasing Power or Buying Power (sức mua).
Account Value – giá trị tài khoản
Giá trị tài khoản, còn được gọi là tổng vốn chủ sở hữu (total equity). Đó là tổng giá trị của tất cả các lệnh mà bạn đang nắm giữ trong tài khoản giao dịch; bao gồm cả tất cả các lệnh chứng khoán và tiền mặt.
(Lệnh chứng khoán có nghĩa là tất cả các lệnh về chứng khoán trong tài khoản, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, và phái sinh.)
Con số này được tính bằng cách cộng tổng số tiền mặt trong tài khoản, và giá trị thị trường hiện tại của tất cả các lệnh chứng khoán trong tài khoản. Sau đó trừ đi giá trị thị trường của bất kỳ cổ phiếu nào đang có lệnh bán khống.
Hay nói cách khác, đó chính là giá trị của tài khoản sau khi bạn thanh lý hết toàn bộ tài sản (lệnh, vị thế) của bạn hiện có. Cho nên đôi khi nó còn được gọi là: Net liquidation value (giá trị thanh lý ròng).
Cash Value (giá trị tiền mặt)
Giá trị tiền mặt, hay số dư tiền mặt, cũng có khi chỉ đơn giản là tiền mặt (Cash). Đó chính là con số có tính thanh khoản cao nhất trong tài khoản.
Nó là số tiền có thể rút ra ngay lập tức, hoặc là có thể dùng để mua trái phiếu, cổ phiếu và mở các lệnh (vị thế) của hợp đồng phái sinh.
Trong trường hợp mở lệnh phái sinh là Options thì hơi phức tạp tí. Vì với seller options sẽ làm tăng cash – Đồng thời tăng Margin – nhưng lại giảm Funds – giảm Buying Power. Khi đó số tiền được rút cần phải căn cứ vào cả 2 yếu tố và cash và funds.
Purchasing Power or Buying Power (sức mua)
Con số cuối cùng – Sức mua: Chính là nguyên ngân gây nên nhiều sự hiểu lầm và tai họa. Đó chính là tổng số tiền mà bạn có thể dùng để mua chứng khoán. Nó bao gồm tiền mặt, và bất kỳ khoản ký quỹ (margin) khả dụng.
Sức mua phụ thuộc rất nhiều vào loại tài khoản mà bạn đã đăng ký mở. Nếu loại tài khoản mà bạn đăng ký mở là dạng tài khoản ký quỹ (margin) thì sức mua của bạn là rất lớn – lớn hơn rất nhiều so với 2 con số đầu tiên là: Account Value (giá trị tài khoản) và Cash Value (giá trị tiền mặt).
Sức mua của tài khoản ký quỹ margin
Ký quỹ hay margin – chính là đi vay.
Cụ thể hơn, chính là đi vay từ công ty môi giới, rồi dùng số tiền vay đó để mua cổ phiếu (hoặc là mở vị thế nào đó). Hay nói cách khác, tài khoản ký quỹ sẽ giúp bạn mua được 1 số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với số tiền mà bạn có trong tài khoản – Bằng cách vay tiền từ công ty môi giới.
Điều này làm tăng khả năng tạo ra lợi nhuận – Hoặc là thua lỗ nhiều hơn, so với cách mua bằng tiền của chính mình (tức là không đi vay).
Giới hạn sức mua
Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ – SEC. Và ủy ban chứng khoán ở nhiều quốc gia khác, có giới hạn giá trị của sức mua. Và thông thường giới hạn đó chính là gấp hai lần vốn chủ sở hữu trong tài khoản ký quỹ. Tức là bạn có thể vay 50% giá vốn của cổ phiếu.
Cũng có nghĩa là: nếu bạn chỉ đủ tiền mua 100 cổ phiếu, thì với tài khoản ký quỹ, sức mua của bạn sẽ là gấp đôi – mua được 200 cổ phiếu.
Ngoài ra, trong trường hợp vay ngắn hạn, chủ yếu là phục vụ cho nhóm khách hàng day trading (intra day) thì sức mua Buying Power có thể gấp 4 lần. Hoặc cao hơn nữa là 10 lần tùy theo loại tài khoản. (Và loại sản phẩm tài chính)
Rủi ro khi mua bằng ký quỹ margin
Đối với tài khoản ký quỹ margin: Khi thị giá cổ phiếu trong tài khoản (đã mua) thay đổi, là sức mua sẽ thay đổi theo hướng tỷ lệ thuận. Nếu cổ phiếu trong tài khoản ký quỹ tăng thì sức mua cũng tăng, và ngược lại khi giá cổ phiếu giảm thì sức mua cũng giảm theo.
(Đối với lệnh bán khống thì tình huống sẽ ngược lại. Tuy nhiên điều này có vẻ hơi phức tạp so với người mới nên tạm thời bỏ qua đi. Và sẽ là cực kỳ phức tạp: Nếu tài khoản ký quỹ margin có sử dụng các hợp đồng phái sinh.)
Khi bạn sử dụng mức ký quỹ 50%, như ví dụ phía trên: Số tiền chỉ đủ mua 100 cổ phiếu, nhưng bạn mua 200 cổ phiếu.
+ Thì khi thị giá cổ phiếu tăng 10% – bạn sẽ lời 20%
+ Ngược lại, khi thị giá cổ phiếu giảm 10% – bạn sẽ thua lỗ 20%
+ Còn khi thị giá cổ phiếu tăng 50% – Bạn sẽ lời 100% (tức gấp đôi tài khoản lên)
+ Nhưng mà, khi thị giá cổ phiếu giảm 50% – Bạn bị mất sạch tiền.
Và theo quy định, thì trước đó bạn sẽ nhận được margin call. Khi tài khoản liên tục thua lỗ đến mức chỉ còn lại 5% vốn chủ sở hữu (tùy loại tài khoản) thì bạn sẽ bị tình trạng margin call. Tức là bị yêu cầu nạp thêm tiền – Hoặc là đóng bớt các lệnh – bán bớt cổ phiếu. Nếu không thì công ty môi giới sẽ bán giúp bạn. Thanh lý môn hộ luôn.
Tin vui là bạn hiếm khi bị cháy sạch tài khoản như khi giao dịch tài khoản forex. Với tài khoản chứng khoán dù cho bị margin call thì bạn vẫn còn lại được vài đồng lẻ trong tài khoản. Vì các công ty môi giới chứng khoán không muốn tài khoản của bạn bị âm. Phần bị âm đó là họ phải bù vào.
Mà thực ra tin này cũng không vui lắm thì phải?
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
Về tác giả
Xin chào! Tôi là Vương Huy Đạt, là một nhà đầu tư chứng khoán và chứng khoán phái sinh chuyên giao dịch hợp động quyền chọn Option. Đồng thời cũng là tác giả của quyển sách Cách kiếm tiền thông minh và bền vững từ chỉ số chứng khoán Mỹ SPX - SPY. Đọc thêm về tôi tại đây. Kết bạn trên Facebook với tôi tại đây.