Tại sao Fed bơm tiền mà lạm phát của USD lại giảm
Federal Reserve System – Fed: Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ. Hay ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Gần đây đã liên tục đưa ra những gói nới lỏng định lượng (Quantitative easing – QE). Đã thế còn mở rộng danh sách trái phiếu thu mua. Nói cho nó dễ hiểu thì cứ gọi là BƠM TIỀN cho nhanh.
Bởi lẽ thế, có không ít người cho rằng lạm phát của USD sẽ tăng cao. Tuy nhiên, sự thực thì số liệu về lạm phát lại không diễn ra như thế. (xem hình ngay phía dưới)
Ít tháng trước đây, tôi cũng có trình bày 1 vài ý kiến thông qua bài viết trên page chiến lược options (facebook). Bạn nên xem lại bài viết đó trước khi đọc tiếp. Ngoài ra bởi do bài viết này là 1 phần giải thích thêm của bài viết định kỳ SPY hàng tháng. Bạn cũng nên xem lại bài viết Phân tích SPY tháng 06/2020 đã nhé! Nếu bạn không chịu xem qua 2 bài viết khuyến nghị ở trên, rồi cảm thấy không hiểu ở các nội dung phía dưới thì ráng chịu nhá.
Rồi ok, chúng ta bắt đầu nhé.
Fed không có quyền chi tiêu hay xài tiền
Trước tiên, chúng ta cần làm rõ vai trò của Fed. Theo luật định thì Fed chỉ có quyền được in tiền hoặc tạo ra tín dụng – ghi nợ. Rồi đổi lấy công trái & trái phiếu. Hay nói cách khác, Fed chỉ có quyền mua trái phiếu – tức là cho bên phát hành trái phiếu vay. Nói ngắn gọn lại thì Fed chỉ có quyền CHO VAY.
Còn việc chi tiêu hay xài TIỀN thì Fed không có quyền hạn đó. Thường thì do khối chính quyền như quốc hội, tổng thống, hay thống đốc bang… Mới có quyền tiêu xài.
Giờ thì tới lạm phát. Lạm phát tăng cao hay không, chủ yếu là phụ thuộc vào 2 yếu tố:
+ Thứ 1: Là nguồn tiền mua hàng.
+ Thứ 2: Là tốc độ của vòng quay tiền.
Những ai đã từng buôn bán sẽ hiểu:
+ Với ý thứ 1: Nếu có nhiều người cùng đổ xô đến mua hàng của bạn. Hiển nhiên là bạn sẽ cháy hàng, và có cơ hội để tăng giá bán lên chút xíu. Giá bán có tăng thì mới có lạm phát chứ.
+ Còn với ý thứ 2: Bạn có 1 lượng khách hàng trung thành, cứ xài hết là họ đến mua hàng. Và thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp tình huống có vị khách hàng trung thành nào đó không chỉ mua nhiều hàng hơn, mà còn mua với tần suất cao hơn. Rồi có lúc hàng về không kịp, từ đó giá bán có khả năng được tăng lên tí xíu. Cũng là câu đó: Giá bán có tăng thì mới có lạm phát chứ.
Mà khổ cái là Fed không có quyền chi tiêu hay xài tiền. Cho nên, về căn bản, Fed có bơm ra bao nhiêu TIỀN, thì sớm hay muộn gì số TIỀN bơm ra đó cũng sẽ quay trở lại với Fed thôi. Fed cho vay thì trước sau gì số tiền cho vay đó cũng phải về lại với Fed chứ.
Còn chuyện tính lãi tính lỗ gì đó, thì liên quan đến bộ tài chính (bộ ngân khố thì đúng hơn) của Hoa Kỳ. Mà chuyện đó chẳng liên quan gì đến nội dung bài viết này.
Giá cả thực phẩm có thể cải thiện.
Nếu bạn đang sinh sống tại Hoa Kỳ, và đang phàn nàn vì giá thức ăn – thực phẩm đang tăng cao. Thế tại sao bạn không than phiền và phàn nàn về việc tại sao giá cả xăng xe bây giờ rẻ hơn dữ vậy?
Một phần tiền của đợt bơm này, là dùng để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Thí dụ như tiền thuê nhà, y tế, y khoa… và đương nhiên là có thức ăn – thực phẩm. Điều này thực sự làm tăng giá cả thực phẩm lên đôi chút. Tuy nhiên, lạm phát tổng thể thì không tăng.
Một đặc điểm của thực phẩm là có thể gia tăng sản xuất, cải tiến công nghệ, giống mới, gen mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi mới v.v… mà từ đó gia tăng số lượng được. Khi số lượng thực phẩm tăng, thì giá cả sẽ tự động thấp trở lại. Khi bệnh dịch qua đi, các chuyến xe chở hàng hóa thực phẩm hoàn toàn được phục hồi. Hàng hóa thực phẩm từ nơi sản xuất sẽ đến được nơi tiêu thụ. Giá cả của thức ăn – thực phẩm sẽ được cải thiện.
Ngoài ra ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển như Hoa Kỳ, các hợp đồng phái sinh về nông sản hoàn toàn có thể đảm bảo được giá cả thức ăn – thực phẩm không có sự đột biến lớn.
Tiền bơm ra chủ yếu nằm trong thị trường tài chính.
Thông qua báo đài, có lẽ bạn cũng đã biết: Có 1 lượng TIỀN rất lớn đang đổ xổ vào các thị trường tài chính… Đúng là Fed đang bơm tiền ầm ầm luôn. Tuy nhiên, nếu phần lớn số tiền đó được đổ vào thị trường tài chính thì lạm phát không bị ảnh hưởng gì đáng kể cả. Miễn là lượng TIỀN đó nằm trong lĩnh vực tài chính, tức là sớm hay muộn gì nó cũng sẽ quay trở lại với Fed thôi.
Điều này chủ yếu sẽ thúc đẩy thị trường tài chính – chứng khoán tăng điểm. Còn chỉ số lạm phát tổng thể thì rất ít bị tác động đến.
Khác với hàng hóa (sản phẩm và dịch vụ), một khi TIỀN đã vào thị trường tài chính thì nó sẽ ở đó, chứ không liên tục tạo ra cái được gọi là vòng quay tiền – vòng quay vốn. Lượng cung TIỀN tăng – Nhưng mà tốc độ vòng quay TIỀN lại giảm. Kết hợp với thất nghiệp, nhiều người thắc lưng buộc bụng, lạm phát muốn tăng cũng khó.
Đó là những chuyện ngắn hạn gần đây, thế còn chuyện lâu dài thì sao? Chuyện bơm tiền đâu phải mới chỉ bắt đầu từ năm 2020. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã “bơm TIỀN” ầm ầm trong suốt nhiều chục năm liền rồi. Thế tại sao lạm phát (ở Mỹ – USD) vẫn chỉ dao động xung quanh mức trung bình 2%/năm?
Rồi tại sao Nhật Bản và nhiều nước Châu Âu. Vẫn là bơm TIỀN – Mà lạm phát lại âm? Chúng ta đi tiếp nào!
Tốc độ gia tăng dân số không cao
Bạn không để ý sao? Nhật Bản và Châu Âu đều là những quốc gia có dân số già, mà tỷ lệ sinh lại thấp. Thậm chí Nhật Bản còn nghiêm trọng hơn khi không chịu chấp nhận di dân. Châu Âu thì có sự phân hóa rõ ràng: 1 số nước Châu Âu thì thích di dân từ xứ khác qua (để lấy sức lao động), 1 số nước khác lại không.
Trong đó Hoa Kỳ là quốc gia có tỷ lệ sinh khá tốt. Kết hợp với chính sách thường xuyên chấp nhận di dân từ nhiều xứ khác. Tốc độ gia tăng dân số của Hoa Kỳ có thể nói là ổn (so với Nhật Bản hay Âu Châu).
Như 1 câu nói: Đông thì hao. Khi dân số cao thì đương nhiên tiêu thụ và nhu cầu cũng cao. Từ đó mà lạm phát sẽ có xu hướng gia tăng – khi dân số gia tăng. Về căn bản, lạm phát thường yên ổn với những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số không cao.
Tuy nhiên, làm ơn đừng tin vào lý luận: Dân số đông thì quốc gia sẽ nghèo. Đúng là khi thêm 1 người thì sẽ thêm 1 miệng ăn, nhưng đồng thời cũng là thêm 2 bàn tay và 1 bộ não.
Khi dân số quá đông thì quốc gia mới nghèo… Và ngược lại, khi dân số quá ít thì quốc gia đó cũng nghèo luôn. Cái gì quá cũng không tốt mà – thậm chí uống nhiều nước quá cũng không tốt (vì bị ngộ độc nước).
Đến phần dưới, bạn sẽ hiểu tại sao lại có phần dân số ở đây!
Tốc độ gia tăng nợ quá khủng khiếp
Có 1 sự thực là bạn không thể giải quyết vấn đề nợ bằng cách tăng thêm nợ. Bạn chỉ có thể giải quyết vấn đề nợ theo 2 cách – Ở mức độ cấp quốc gia: Một là lạm phát, hai là thắt lưng buộc bụng.
Vì nhiều lý do – đặc biệt là lý do chính trị. Không ít quốc gia đã phát triển, họ lựa chọn giải pháp là liên tục tăng nợ. Dùng nợ mới để ngăn chặn nợ cũ – Đặc biệt là những lúc khó khăn về kinh tế. Chắc bạn cũng biết rằng: Mức nợ toàn cầu ngày nay là khủng khiếp đến mức độ nào!
Điều này dẫn chúng ta đến với khái niệm: Công ty zombie – Tức là những công ty vẫn được phép tiếp tục hoạt động, thay vì chúng lẽ ra nên vỡ nợ hay phá sản. Các công ty zombies thường gắn liền với các khoản chi phí cao & khó có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.
Ở 1 số quốc gia trên thế giới, các công ty zombie vẫn được nhà nước bảo kê và nuôi dưỡng vì nhiều lý do. Nhưng thường là lý do chính trị – xã hội hay niềm tự hào dân tộc gì đó. Không phải nước nào xa lạ đâu, tôi đang nói đến Nhật Bản và Châu Âu đó. Hoa Kỳ thì vẫn có tình trạng đó, nhưng mà ít tệ hơn nhiều.
Khi khó khăn ập đến, thay vì phá sản, vỡ nợ, hay cơ cấu lại. Nhà nước lại đứng ra cứu giúp, bằng cách tăng thêm các khoản nợ. Để cho những người lao động không bị mất việc, để cho những người đầu tư – cổ đông hay chủ nợ (trái phiếu) không bị mất tiền.
Rồi cứ thế, trên khắp thế giới: Chúng ta càng lúc càng có nhiều nợ hơn, và rồi lại là nhiều nợ hơn… Mà nợ thì phải trả – ít nhất là trả lãi, điều này càng lúc càng làm cho các công ty ít có lợi nhuận đi… Và rồi tiếp theo chính là lãi suất thấp.
Lãi suất thấp
Vì những món nợ càng lúc càng phình to, đến 1 lúc nào đó, chẳng còn cách nào khác: Lãi suất sẽ phải thấp đi, rồi lại tiếp tục thấp đi…
Nền kinh tế khó khăn, nhưng các công ty zombie thì vẫn tiếp tục sống. Lãi suất thấp sẽ làm cho zombies được nhẹ đi phần nào gánh nặng nợ nần càng lúc càng phình to. Mà công việc kinh doanh lại kém hiệu quả. Mà cũng khó nói, gánh nhiêu đó nợ nần thì làm sao mà hiệu quả cho nổi.
Trả nợ và trả lãi vay thôi, chắc đã hết lợi nhuận. Rồi TIỀN đâu mà thuê thêm nhân viên, đầu tư mở rộng, nghiên cứu phát triển… Nhất là thời buổi bây giờ, không phát triển thêm, dậm chân tại chổ vài năm thôi là lạc hậu ngay, là công việc kinh doanh kém hiệu quả ngay… Rồi khó khăn ập đến… Rồi lại phải vay thêm nợ gánh thêm nợ… Cứ thế mà 1 vòng luẩn quẩn… Không thực sự tạo ra những giá trị cho nền kinh tế.
Thật không may, khi lãi suất thấp – Khối ngân hàng và tài chính không thể hoạt động sinh lãi.
Không thể phục hồi nền kinh tế với 1 hệ thống ngân hàng – tài chính yếu kém được. Nếu khối ngân hàng và tài chính không thể sinh lãi, họ sẽ không mở rộng tín dụng, họ sẽ thắt chặt các khoản cho vay (hiển nhiên là bao gồm cả vay tiêu dùng, sản xuất…). Họ sẽ không mạo hiểm cho vay – Mà sẽ chất chồng TIỀN trong hệ thống tài chính và chứng khoán. Nền kinh tế lại càng khó hồi phục.
Vòng lặp kết hợp giữa lãi suất thấp và núi nợ cao.
Lãi suất thấp sẽ khuyến khích nhiều người, nhiều công ty vay nợ (đặc biệt là khi khó khăn). Hiển nhiên là các công ty zombie cũng thế. Tuy nhiên, đã là nợ thì sớm muộn gì cũng phải trả, nợ tăng cao cũng đồng nghĩa với chi phí tăng cao. Lãi suất không thể tăng – vì khi lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí trả nợ.
Đến 1 mức độ nào đó, cả cá nhân và công ty cũng chỉ làm việc để trả nợ. Tức là không có tiền để chi tiêu (cá nhân) và mở rộng (công ty). Không còn chi tiêu và mở rộng, thì làm gì có lạm phát?
Mà lãi suất hiện tại đã ở mức 0% rồi, không hạ thêm được nữa. Cho nên sẽ không thể có thêm nguồn tiền chi tiêu – mở rộng để mà thúc đẩy việc tăng lạm phát được. Đây là cái bẫy (vòng lặp – vòng luẩn quẩn) lãi suất âm của Nhật Bản và Âu Châu đang bị. Thực tế là mức nợ của Nhật Bản và Âu Châu, cao đến mức lãi suất không bao giờ có thể tăng trở lại được.
Tuy nhiên, ngoài trừ hạ lãi suất, chúng ta cũng có vài phương án khác, để đẩy lạm phát tăng trở lại:
+ Cho phép phá sản, vỡ nợ hàng loạt – Rồi có nguy cơ dẫn đến biến động lớn về chính trị xã hội. Đương nhiên là không có nhiều quốc gia dám mạo hiểm chọn phương án này.
+ Tăng trưởng dân số. Như phía trên cũng có trình bày rồi đấy. Cả Nhật Bản, Âu Châu và Mỹ đều không phải là quốc gia có mức gia tăng dân số cao. Mà muốn tăng dân số thì đó cũng là 1 bài toán rất dài hạn. Trong khi khó khăn kinh tế thì ngay trước mặt rồi.
+ Tăng trưởng về năng suất. Và đó chính là phần tiếp theo.
Giải pháp duy nhất: Tốc độ tăng trưởng năng suất
Có thể nói rằng Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất cứ lâu lâu là lại có những phát minh (công nghệ) làm thay đổi cả thế giới. Từ đó tạo nên sự đột biến và nhiều giá trị thặng dư. Cho nên Hoa Kỳ mới là quốc gia vẫn còn giữ được mức lãi suất dương – trong khối những quốc gia đã phát triển. Trong khi đó Nhật Bản và Châu Âu không có nhiều sự tăng trưởng năng suất đột biến bằng.
Rồi sẽ sớm thôi, chính phủ liên bang Hoa Kỳ cũng sẽ nhận ra rằng: Dù cho có là Hoa Kỳ thì cũng rất khó để thoát khỏi lãi suất bằng 0% hoặc lãi suất âm được, và chắc chắn là không có cách nào để tạo ra lạm phát 1 cách hiệu quả và an toàn.
Một khi đã bị dính vào vòng luẩn quẩn của lãi suất âm & núi nợ cao, thì rất khó để mà có thể dừng lại. Mà không gây ra những tình huống đau thương.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia sáng sủa nhất – trong khối những quốc gia đã phát triển.
Tạm kết
Bơm tiền không gây ra lạm phát, phải có chi tiêu mới gây ra lạm phát.
Nhiều quốc gia hiện nay – bao gồm Hoa Kỳ: Đều đang thắt lưng buộc bụng: Từ bộ máy chính quyền, đến công ty doanh nghiệp, và cả cá nhân hộ gia đình… đều không chịu chi tiêu – tệ hơn là không có tiền để mà chi tiêu… Thế thì đào đâu ra lạm phát?
Không thể hạ thêm lãi suất, không thể cho phá sản vỡ nợ, không thể tăng dân số, không có sự tăng trưởng đột biến về năng suất: Nhật Bản và nhiều nước Âu Châu gần như là đã toang rồi. Nếu thấy cảnh tượng lạm phát tăng ở Nhật Bản và Âu Châu – Đó chắc chắn không phải là những cảnh tượng vui vẻ đâu.
Hiện trạng của Hoa Kỳ cũng chẳng phải là tốt đẹp gì: Núi nợ đâu có thấp, mà giờ lại thêm vụ lãi suất cực thấp thì đúng là đổ mồ hôi hột rồi. Tuy nhiên, xét trên lịch sử của đất nước Hoa Kỳ: Hoa Kỳ luôn biết cách để gây bất ngờ. Bình thường thì lúc nào cũng nháo nháo, trông có vẻ như cực kỳ bất ổn vậy đó. Ai mà biết được trong tương lai sắp tới: Các doanh nghiệp Hoa Kỳ lại phát minh ra sáng kiến hay công nghệ nào đó – giúp đẩy mạnh tăng trưởng năng suất.
Đọc thêm: Những món nợ ghê tởm
Những gì được trình bày ở trên, là dành cho những đồng tiền mạnh (USD, EUR, JPY, RMB, GBP, CHF, CAD, AUD…). Tức là những đồng tiền ít nhiều gì cũng đều có giá trị thanh toán hàng hóa giữa các nước với nhau.
Còn đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi (bao gồm VN). Thì sẽ không như thế.
Những loại tiền tệ của các thị trường mới nổi, thông thường đều sẽ đi đến tình cảnh siêu lạm phát – Đồng tiền nội tệ mất giá trầm trọng. Hoặc phá sản vỡ nợ cấp quốc gia.
Các thị trường mới nổi thường có nền kinh tế đủ nhỏ (so với Hoa Kỳ) để không gây ra những ảnh hưởng đáng kể. Nên thông thường cũng không có nhiều quốc gia đòi trả đũa trả thù gì.
Các thị trường mới nổi sẽ tìm cách để gian lận – xóa sạch những món nợ. Và bắt đầu lại với 1 loại tiền tệ mới – thường sẽ được neo giá trị với USD.
Còn một khi nền kinh tế đã trở nên đủ lớn, việc tuyên bố phá sản vỡ nợ quốc gia. Thông thường sẽ dẫn đến 1 số cuộc trả thù. (như cấm vận, tịch thu tài sản, đánh thuế nặng, muốn vay phải trả lãi suất cao v.v…)
No Responses