Chứng khoán là gì?

Chứng khoán là gì? Sau vài chục phút tìm kiếm với từ khóa “chứng khoán là gì” bằng google tôi thực sự không cảm thấy hài lòng về các bài viết hiện có cho lắm. Nếu bạn đang tìm kiếm một bài viết tổng quan bao quát nhất về chứng khoán và thị trường chứng khoán, thì bạn đã ở đúng nơi rồi đấy. Chúng ta sẽ cùng nhau vẽ ra một bức tranh mang tên “chứng khoán là gì”.

Đại đa số mọi người khi nhắc đến chứng khoán hay thị trường chứng khoán, đều chỉ nghĩ đến cổ phiếu. Điều đó đúng chứ không hề sai, chỉ là chưa đầy đủ. Chính xác thì chứng khoán bao gồm 3 phần : trái phiếu, cổ phiếu và chứng khoán phái sinh.Và thị trường chứng khoán chính là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán trao đổi của các chứng khoán đã nói ở trên, trong đó có cổ phiếu. Vì cổ phiếu được nói đến nhiều nhất nên phần lớn mọi người đều hiểu nhầm chứng khoán chính là cổ phiếu. Tốt rồi đấy, vậy là chúng ta đã có được một bức tranh đầu tiên về chứng khoán như phía dưới.

chứng khoán

Tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau thêm vào các chi tiết khác của bức tranh “chứng khoán là gì”. Trước tiên là trái phiếu, vậy trái phiếu là gì? Trái phiếu chỉ là một tờ giấy nợ của người phát hành ra nó. Nếu người phát hành ra trái phiếu là chính phủ thì được gọi là trái phiếu chính phủ hay công trái, nếu người phát hành ra trái phiếu là doanh nghiệp thì được gọi là trái phiếu doanh nghiệp. Người sở hữu trái phiếu được gọi là trái chủ. Trái chủ sẽ được hưởng lãi suất hàng năm của trái phiếu, và khi đáo hạn trái chủ sẽ được nhận lại số tiền gốc theo mệnh giá của trái phiếu.Trên một trái phiếu sẽ có những điều sau đây:

  1. Mệnh giá:dùng làm căn cứ để xác định số lợi tức. Mệnh giá cũng thể hiện số tiền người phát hành phải hoàn trả khi trái phiếu đáo hạn.
  2. Lãi suất: lãi suất này kết hợp với mệnh giá sẽ xác định được con số lợi tức trái chủ sẽ nhận.
  3. Thời hạn:là khoảng thời gian từ ngày phát hành đến ngày đáo hạn, ngày mà người phát hành hoàn trả lại vốn cho trái chủ căn cứ theo mệnh giá.
  4. Kỳ trả lãi: là khoảng thời gian người phát hành trả lãi cho trái chủ. Lãi suất được xác định theo năm nhưng việc thanh toán lãi suất có thể nhiều hơn một lần trong năm.
  5. Giá phát hành: Là giá bán của trái phiếu vào thời điểm phát hành, tùy theo tình hình thị trường mà người phát hành sẽ xác định giá phát hành một cách hợp lý, có ba trường hợp là giá phát hành bằng với mệnh giá (ngang giá), giá phát hành dưới mệnh giá (giá chiết khấu) và giá phát hành trên mệnh giá (giá gia tăng)

Có một điều đặt biệt quan trọng với trái chủ : “dù trái phiếu được bán với giá nào (ngang giá, giá chiết khấu hay giá gia tăng), thì lợi tức luôn được xác định theo mệnh giá của trái phiếu và khi đáo hạn, người có trái phiếu sẽ được thanh toán theo mệnh giá của trái phiếu”. chúng ta có bảng tóm tắt ngắn gọn về trái phiêu trong một phần của bức tranh “chứng khoán là gì” như sau.

chứng khoán - trái phiếu

Bây giờ thì chúng ta sẽ đến phần quan trọng nhất của thị trường chứng khoán đó chính là cổ phiếu. Lịch sử ra đời cổ phiếu gắn liền với lịch sử hình thành Công ty cổ phần. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Người mua cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông được cấp một giấy xác nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu. Vậy tức là khi bạn mua cổ phiếu điều đó cũng có nghĩa là bạn đã mua một phần nhỏ của công ty đó.Về cơ bản, cổ phiếu có hai dạng quyền lợi : lợi ích về quyền lực và lợi ích về tiền. Tương ứng với 2 quyền lợi đó, chúng ta cũng có hai dạng cổ phiếu thông dụng nhất, chính là:

  1. Cổ phiếu phổ thông:còn gọi là cổ phiếu thường, cổ phiếu phổ thông có quyền lợi nghiêng nhiều về quyền lực hơn là tiền. Người nắm giữ cổ phiếu phổ thông được quyền bỏ phiếu biểu quyết nhằm: ý kiến chia lợi nhuận từ kết quả kinh doanh, bầu ra ban giám đốc và các thành viên quản trị, xây dựng mục tiêu cho công ty, quyền được ưu tiên mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền đóng góp ý kiến vào việc vận hành quản trị của công ty v.v.
  2. Cổ phiếu ưu đãi:Trong phần lớn trường hợp, cổ phiếu ưu đãi thường là cổ phiếu ưu đãi về cổ tức. Người sở hữu cổ phiếu ưu đãi về cổ tức sẽ được hưởng một mức cổ tức cố định hàng năm, dù cho công ty đó kinh doanh thua lỗ hay có lợi nhuận cao. Tuy nhiên người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi về cổ tức có quyền lợi rất hạn chế trong việc tham gia điều hành công ty. (ngoài ra còn có các loại cổ phiếu ưu đãi khác như : cổ phiếu ưu đãi quyền biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại v.v.)

Trên thực tế, cổ phiếu mà chúng ta được gặp nhiều nhất và thường xuyên nhất đó chính là cổ phiếu phổ thông. Đối với một cổ phiếu phổ thông, chúng ta cần quan tâm nhiều đến ba kiểu giá sau đây:

  • Mệnh giá: mệnh giá chỉ có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm công ty phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu tiên và khi chia cổ tức cho cổ phiếu phổ thông.
  • Giá sổ sách:được xác định dựa trên cơ sở số liệu sổ sách kế toán. Căn cứ vào các số liệu báo cáo của sổ sách kế toán chúng ta sẽ tính toán được giá sổ sách của cổ phiếu bằng cách xác định tổng giá trị tài sản thuần của công ty trừ đi phần giá trị thuộc về cổ phiếu ưu đãi (nếu có) rồi chia cho tổng số cổ phiếu thường.
  • Thị giá:là giá trị do quy luật cung cầu của thị trường quyết định. Thị giá của cổ phiếu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố do vậy nó thường xuyên biến động.

Như vậy là chúng ta lại có thêm một mảnh ghép của bức tranh “chứng khoán là gì”. Những đặc điểm cơ bản nhất cổ phiếu đã được tóm tắt lại bằng hình bên dưới.

chứng khoán - cổ phiếu

Và ngay bây giờ, chúng ta sẽ đi tiếp mảnh ghép cuối cùng của bức tranh “chứng khoán là gì”. Vâng, đó chính là chứng khoán phái sinh. Cần phải nói trước cho bạn biết rằng chứng khoán phái sinh rất rộng lớn, và ở trong phạm vi bài viết này tôi sẽ cố gắng trình bày một cách cô động nhất, đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để bạn có được một cái nhìn khái quát về chứng khoán phái sinh. Ở chứng khoán phái sinh có rất nhiều sản phẩm khác nhau nhưng nhìn chung chỉ có 4 sản phẩm như sau: Hợp đồng kỳ hạn (forwards), hợp đồng hoán đổi (swaps), hợp đồng tương lai (futures), và hợp đồng quyền chọn (options).

Nếu chỉ được phép dùng một câu để miêu tả đặt điểm chung nhất của chứng khoán phái sinh, thì đó chỉ có thể là: một lời hứa, một lời cam kết hay một sự thỏa thuận. Vâng, chứng khoán phái sinh chính là một lời hứa, thỏa thuận và cam kết của các bên tham gia. Ngay sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng loại chứng khoán phái sinh như đã nêu ở trên :

Hợp đồng kỳ hạn (forwards): là một thỏa thuận giữa người mua và người bán nhằm thực hiện một giao dịch với :  khối lượng xác định, thời điểm xác định trong tương lai, một mức giá được ấn định vào ngày hôm nay. Giao dịch của hợp đồng kỳ hạn có thể là bất cứ hàng hóa nào : từ nông sản, tiền tệ, cho đến các chứng khoán v.v… Điểm đặt biệt của hợp đồng kỳ hạn là các điều khoản đều do cả hai bên tự thỏa thuận với nhau dựa theo những ước lượng mang tính cá nhân. Chính vì đặt điểm mang nặng tính cá nhân nên hợp đồng kỳ hạn rất hiếm khi được giao dịch trong các thị trường tập trung.

Hợp đồng hoán đổi (swaps): cũng là một thỏa thuận của các bên tham gia và được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực lãi suất và tiền tệ. Tương tự như hợp đồng kỳ hạn (forwards), hợp đồng hoán đổi (swaps) cũng mang nặng tính chất cá nhân dựa theo sự thỏa thuận và thống nhất của song phương, bất cứ cái gì cũng có thể hoán đổi được với nhau miễn là cả 2 bên đều đồng ý. Để dễ hiểu hơn, ta cùng xem xét ví dụ sau đây :

Ông A Ông B
Sở hữu 1000 cổ phiếu của công ty ABC 300 trái phiếu chính phủ
Lợi tức Bị biến động X%/năm Cố định 5%/năm
Hợp đồng hoán đổi lợi tức Nhận 5%/năm (vẫn sở hữu 1000 cổ phiếu của cty ABC) Chấp nhận con số bị biến động là X%/năm (vẫn sở hữu 300 trái phiếu chính phủ)

Ban đầu ông A sở hữu 1000 cổ phiếu của công ty ABC là có mức lợi tức hàng nằm bị biến động, giả sử là con số X%/năm, và ông B sở hữu 300 trái phiếu chính phủ với mức lợi tức hàng năm là con số cố định 5%/năm. Sau một khoảng thời gian nắm giữ, ông A vẫn thích sở hữu 1000 cổ phiếu của công ty ABC nhưng lại không muốn nhận mức lợi tức hàng năm bị biến động nữa và ông A muốn con số lợi tức là con số cố định theo hàng năm. Đồng thời, ông B vẫn thích tiếp tục nắm giữ 300 trái phiếu chính phủ của mình nhưng lại không hứng thú với con số 5%/năm nữa và ông B sẵn sàng chấp nhận con số lợi tức bị biến động X%/năm theo kiểu của ông A. Thế là, ông A và ông B cùng nhau thỏa thuận và lập nên một hợp đồng hoán đổi về lợi tức của nhau.

Như đã nói ở trên, hợp đồng kỳ hạn (forwards) và Hợp đồng hoán đổi (swaps) mang nặng tính chất thỏa thuận theo những ước lượng cá nhân. Bởi lẽ đó, trong các thị trường tập trung, có thể nói là không bao giờ gặp được 2 loại phái sinh này. Trong thực tế, chúng ta chỉ thường xuyên làm việc cùng với 2 loại phái sinh còn lại là : hợp đồng tương lai (Futures) và hợp đồng quyền chọn (Options)

Hợp đồng tương lai (Futures):là một hợp đồng thỏa thuận giữa các bên về nghĩa vụ mua bán phải được thực hiện theo một mức giá đã xác định trước cho tương lai, mà không phụ thuộc vào giá thị trường tại thời điểm tương lai đó. Ví dụ : Vào đầu năm 2014, công ty A ký hợp đồng tương lai với công ty B mua 10 tấn cafe với giá 5USD/Kg vào thời điểm mua trong tương lai là cuối năm 2014. Như vậy vào thời điểm cuối năm 2014, công ty B phải bán cho công ty A 10 tấn café với giá 5USD/Kg và công ty A phải mua 10 tấn cafe của công ty B với cùng mức giá đó. Cho dù giá cafe trên thị trường vào cuối năm 2014 là bao nhiêu đi chăng nữa thì cả 2 đều phải thực hiện với mức giá là 5USD/Kg. Chúng ta có thể thấy rằng trong hợp đồng tương lai (Futures) có các yếu tố quan trọng sau:

  1. Mặt hàng (Nông sản, khoáng sản, kim loại, lãi suất, ngoại hối, chứng khoán v.v. )
  2. Giá thực hiện (trong ví dụ ở trên chính là 5USD/Kg cafe)
  3. Ngày thực hiện (trong ví dụ trên là cuối năm 2014)
  4. Mua hay bán (trong ví dụ trên công ty A là mua, công ty B là bán)

Ban đầu, các đối tượng của Futures là các mặt hàng đơn giản như lúa mì hay cafe. Các nhà đầu tư mua và bán các hợp đồng tương lai với mục đích giảm bớt sự lo ngại về các biến cố bất thường của giá thị trường. Đến thập niên 80, các hợp đồng tương lai nở rộ và phổ biến trong các giao dịch thương mại, bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau như : Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai lãi suất, hợp đồng tương lai ngoại hối, hợp đồng tương lai nông sản, hợp đồng tương lai kim loại và khoáng sản v.v. Ngày nay, các hợp đồng tương lai (Futures)trong các thị trường tập trung được mua đi bán lại mà mọi người vẫn thường hay gọi là đóng/hủy hợp đồng (close). Trong ví dụ ở trên, nếu công ty A close hợp đồng mua 10 tấn café với giá 5USD/Kg vào giữa năm 2014 (hợp đồng đến cuối năm 2014 mới đáo hạn), thực tế hợp đồng đó vẫn hiện hữu, chỉ là chuyển hợp đồng Futures đó từ công ty A sang một cá nhân hay là một công ty khác mà thôi. Lãi lỗ sẽ được tính toán căn cứ theo thị giá lúc đóng/hủy (close) hợp đồng.

quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn (Options):là một hợp đồng thỏa thuận về quyền-nghĩa vụ của các nhà đầu tư, trong việc mua hay bán một số lượng hàng hóa đã xác định trước theo một giá thỏa thuận ngay từ lúc ban đầu. Khi bạn mua một cổ phiếu nào đó, tức là bạn đã mua tất cả các quyền của cổ phiếu đó, các quyền đó bao gồm : quyền sở hữu, quyền nhận cổ tức, quyền chuyển nhượng, quyền mua bán, quyền trao tặng, quyền sử dụng v.v… Nhưng khi bạn tham gia vào hợp đồng quyền chọn (Options) là bạn chỉ được quyền mua hoặc được quyền bán cổ phiếu đó mà thôi. Các đối tượng hàng hóa của Options cũng rất nhiều chủng loại nhưng thông dụng nhất mà chúng ta hay gặp nhất chính là hợp đồng quyền chọn cổ phiếu (Options – Stock). Trong một hợp đồng Options – Stock có các yếu tố không thể thiếu sau đây :

  1. Kiểu quyền chọn: quyền chọn Call Option hay là quyền chọn Put Option
  2. Mã chứng khoán
  3. Ngày đáo hạn: ngày hợp đồng kết thúc
  4. Giá thỏa thuận ngay từ ban đầu

Ngay bây giờ chúng ta sẽ đi chi tiết vào 2 loại quyền chọn: Quyền chọn mua (Call Option) và quyền chọn bán (Put Option):

Quyền chọn mua (Call Option): Người mua call option (buyer call option) sẽ phải trả cho người bán call options (seller call option) một khoảng phí gọi là phí quyền chọn (premium). Người mua quyền chọn mua (buyer call option) sẽ có quyền được mua một lượng cổ phiếu nhất định theo một mức giá đã thỏa thuận ban đầu. Người bán quyền chọn mua (seller call option)nhận được tiền phí từ người mua quyền chọn mua (buyer call option) nên có trách nhiệm phải bán một lượng cổ phiếu theo giá đã thỏa thuận ban đầu khi người mua quyền chọn mua (buyer call option) yêu cầu thực hiện quyền được mua. (buyer call option được quyền mua thì seller call option có nhiệm vụ phải bán).

Quyền chọn bán (Put Option):Người mua Put option (buyer put option) sẽ phải trả phí cho người bán put option (seller put option) một khoảng phí gọi là phí quyền chọn (premium). Người mua quyền chọn bán (buyer put option) sẽ có quyền được bán một lượng cổ phiếu nhất định theo một mức giá đã thỏa thuận ban đầu. Người bán quyền chọn bán (seller put option) nhận được tiền phí từ người mua quyền chọn bán (buyer put option) nên có trách nhiệm phải bán một lượng cổ phiếu theo giá đã thỏa thuận ban đầu khi người mua quyền chọn bán (buyer put option) yêu cầu thực hiện quyền được mua. (buyer put option có quyền bán thì seller put option có nhiệm vụ phải mua)

Người mua quyền chọn – Buyer Options(Cả Call Option và Put Option) Người bán quyền chọn – Seller Options(Cả Call Option và Put Option)
Có quyền Có nghĩa vụ
Phải trả phí Được nhận phí
Lợi nhuận không bị giới hạn Lợi nhuận bị giới hạn ở số phí được nhận
Lỗ có giới hạn ở số phí đã trả Lỗ không giới hạn

Lưu ý: chúng ta có 2 kiểu hợp đồng quyền chọn Options : kiểu Châu Âu và kiểu Mỹ.

  1. Kiểu Châu Âu, bạn không được quyền đóng/hủy lệnh (close) trước khi đến ngày hết hạn, kiểu Châu Âu một khi bạn đã ký hợp đồng vào lệnh là phải đợi đến lúc đáo hạn mới tất toán và thực hiện quyền được.
  2. Kiểu Mỹ thì ngược lại, bạn có quyền thực hiện quyền của mình bất cứ lúc nào, bạn có quyền đóng/hủy lệnh (close) đi bất cứ lúc nào bạn muốn, lãi lỗ sẽ được tính toán căn cứ theo các điều kiện khi bạn đóng lệnh.

Khi bạn có hợp đồng quyền chọn chứng khoán về một mã cổ phiếu của một công ty nào đó, khi công ty đó chia cổ tức bạn sẽ không được quyền hưởng cổ tức, ngay từ đầu tôi đã nói với bạn rồi mà, tham gia vào hợp đồng quyền chọn (Options) là bạn chỉ lấy quyền được mua hoặc là quyền được bán của cổ phiếu đó mà thôi.

chứng khoán

Nói thêm về thị trường chứng khoán: như đã biết ở trên, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi chứng khoán, điều đó cũng có nghĩa thị trường chứng khoán đóng vai trò như là một cái chợ, và trong cái chợ đó có những mặt hàng chứng khoán được mọi người mua bán giao dịch với nhau. Ở Việt Nam, hiện tại chúng ta chỉ có hai(2) chợ chứng khoán tập trung lớn, đó chính là : Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chúng ta chỉ có thể giao dịch được trái phiếu và cổ phiếu, chứng khoán phái sinh vẫn còn đang được xem xét trước khi chính thức đi vào giao dịch thực tế. Cảm ơn các bạn đã hoàn tất bức tranh mang tên “chứng khoán là gì” cùng tôi. Tôi sẽ rất mừng nếu biết rằng bạn thích bài viết này, hy vọng bài viết có thể mang lại lợi ích cho bạn.

Comments

  1. By Nguyễn Phương Nam

    Reply

  2. By Kathy

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *