Chỉ số sợ hãi – Fear Index

Chỉ số sợ hãi, còn nếu bạn muốn nói cho nó sang chảnh thì dùng tiếng Anh là “Fear Index“. Nhưng vui lòng hiểu rằng là đang cùng nói về 1 thứ thôi nhé. Đó chính là 1 chỉ số dùng để đo lường sự sợ hãi. Hiển nhiên là chúng ta đang nói đến sự sợ hãi trong các thị trường tài chính, chứ không phải là sự sợ hãi trong các bộ phim kinh dị, hay là các trò chơi game show mạo hiểm nào đó trên truyền hình.

Có lẽ lòng tham và nỗi sợ không còn là những khái niệm xa lạ với những ai tham gia thị trường tài chính nữa. Thậm chí có rất nhiều người còn cho rằng: Nếu muốn chiến thắng trong ngành tài chính, thì hãy kiểm soát tốt 2 yếu tố lòng tham và nỗi sợ đó. Tuy nhiên, mọi người lại chỉ nói và nói thôi, chứ không hề có 1 cách thức đo lường định lượng bằng những con số cụ thể. May mắn làm sao, trên đời này có cái được gọi là chỉ số sợ hãi – Fear Index.

Chỉ số sợ hãi (Fear Index) thường gặp nhất: Chính là chỉ số sợ hãi của thị trường cổ phiếu. Chỉ số sợ hãi của thị trường cổ phiếu, sẽ tăng cao khi “nhà đầu tư cổ phiếu” cảm thấy bất an lo sợ. Biểu hiện cụ thể nhất là họ sẽ cố mà né tránh các tài sản như cổ phiếu, phái sinh. Và chạy sang các tài sản khác như gửi tiết kiệm, trái phiếu.

Vậy là xem như chúng ta hiểu xong cái gì được gọi là chỉ số sợ hãi (Fear Index) nhé. Tức là khi mọi người lo sợ, bất an, cảm thấy thiếu niềm tin, không còn tin tưởng nữa thì chỉ số này sẽ tăng cao lên. Còn khi ngược lại, nó sẽ ở các mức thấp lè tè.

Tuy nhiên, chỉ số sợ hãi (Fear Index) có rất nhiều đối tượng. Đối tượng ở đây tức là cái mà nó muốn phản ánh. Thí dụ như chỉ số sợ hãi của tôi, nó khác với chỉ số sợ hãi của bạn, và sẽ là quá hiển nhiên nó sẽ khác với chỉ số sợ hãi của ông hàng xóm.

Hoàn toàn tương tự như vậy, chỉ số sợ hãi trong tài chính, cũng được chia ra thành nhiều đối tượng như thế. Thí dụ như:

+ Chỉ số sợ hãi của S&P500 (SPX–SPY) là chỉ số VIX.

+ Chỉ số sợ hãi của kim loại bạc – SLV (ETFs Silver) là chỉ số VXSLV.

+ Chỉ số sợ hãi của dầu – Oil là chỉ số OVX.

+ Chỉ số sợ hãi của NASDAQ 100 (QQQ) là chỉ số QQV.

+ Và vẫn còn rất nhiều chỉ số sợ hãi khác trong thị trường tài chính lắm…

LƯU Ý bạn nha: Chỉ số sợ hãi là cái tên chung chung mà thôi. Chỉ số sợ hãi có rất nhiều đối tượng, kể cả vàng – bạc vẫn có chỉ số sợ hãi như thường. Chứ không phải chỉ có thị trường chung hay toàn thị trường mới có chỉ số sợ hãi bạn nhé. Tuy nhiên chúng ta chỉ tập trung nhiều nhất vào chỉ số sợ hãi VIX mà thôi. Nào, bây giờ thì chúng ta đến với nhân vật chính của chúng ta nào.

VXSLV

OVX

Chỉ số sợ hãi VIX của S&P500 (SPX–SPY)

Trước khi nói đến VIX, có lẽ bạn muốn xem qua vài bài viết này đã. Còn nếu bạn đã xem qua rồi thì cứ coi như là ôn lại bài trước khi đến với bài mới nhé:

+ Chỉ số sức mạnh nền kinh tế Mỹ

+ Quỹ tương hỗ là gì? ETF là gì? SPY là gì?

+ Cách đầu tư đơn giản mà hiệu quả: Mua và nắm giữ SPY

+ Nếu mua SPY ngay ở đỉnh thì sao?

Tốt rồi, bây giờ thì chúng ta đến với nhân vật chính của bài viết: Chỉ số sợ hãi VIX được xây dựng và phát triển bởi: Chicago Board Option Exchange (CBOE), và nhiệm vụ của nó là đo lường sự sợ hãi của chỉ số SPX – SPY. Chấm hết, chỉ cần nhiêu đây thôi, tác giả cảm thấy chúng ta thực sự không cần thiết phải đi quá sâu xa chi tiết vào những thành phần toán học của nó.

Chỉ số VIX được hình thành thông qua khá nhiều chỉ số (khoảng 7-8 chỉ số gì đó) đo lường khác nhau. Tuy nhiên, VIX được giới chuyên môn cho rằng là có mối gắn kết chặt chẽ nhiều với hệ số Vega – một trong những hệ số thành phần cấu tạo nên giá cả của hợp đồng quyền chọn Options.

Rõ ràng rồi chứ, không có gì khó hiểu phải không? Nói ngắn gọn lại thì như thế này: VIX và S&P500 sẽ tỷ lệ nghịch với nhau. Trong hầu hết đại đa số trường hợp là vậy, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng ta cũng có thể được chứng kiến cả 2 chỉ số VIX và S&P500 cùng tăng hoặc cùng giảm. Những trường hợp cùng tăng cùng giảm này rất hiếm và chỉ xảy ra trong những tình huống biến động thấp mà thôi.

VIX

Ngày nay, VIX được xem như là chỉ số đo lường tâm lý thị trường (Market Sentiment). Đó là bởi vì đối tượng đo lường nỗi sợ của VIX chính là chỉ số SPX–SPY. Mà như bạn đã biết rồi đấy, chỉ số SPX–SPY được xem như là chỉ số đại diện cho cả thị trường chứng khoán Mỹ, và ở 1 góc độ nào đó là cho cả nền kinh tế Hoa Kỳ.

Chỉ số CBOE Volatility Index hay VIX, nó đo lường mức độ biến động của các chỉ số chứng khoán, và được xem như là 1 thước đo chuẩn mực, nhằm phản ánh mức độ ổn định tâm lý của nhà đầu tư. VIX sẽ tăng cao vào thời điểm tâm lý nhà đầu tư bất ổn, hoang mang.

Những phân vùng quan trọng của VIX

Trong đại đa phần sách vở tài liệu, đều cho rằng VIX có 1 mức hay phân vùng quan trọng nhất, đó chính là mức 40. Lý do thì đơn giản cực kỳ, vì ở 2 cuộc khủng hoảng gần nhất là 2001 và 2008 chỉ số VIX đều cao hơn mức 40.

Tuy nhiên, cá nhân tác giả cho rằng: Đợi đến khi VIX lên 40 thì có mà “hốt xác” à? Ở những điều kiện thị trường bình thường, VIX sẽ dao động xung quanh mức 15 là hợp lý, còn khi VIX cao hơn mức 20 là nên bắt đầu lo sợ đi. Giải pháp khi đấy là tìm hiểu về các chỉ số nền kinh tế Hoa Kỳ.

Bởi lẽ chỉ số SPX–SPY không phải vô duyên vô cớ mà cấm đầu rơi liên tục được, SPX–SPY được xem là đại diện cho cả nền kinh tế Hoa Kỳ. Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn ổn thì chỉ số SPX–SPY vẫn sẽ là đà tăng trưởng (trong dài hạn). Bạn có thể tìm đọc cuốn sách này để biết thêm: Cách kiếm tiền thông mình và bền vững từ chỉ số chứng khoán mỹ SPX – SPY

Điều đó có nghĩa là gì? Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn ổn thì VIX sẽ phải giảm dần đi.

Tạm kết

Chỉ số sợ hãi VIX hay các chỉ số sợ hãi khác, là chỉ số khá quan trọng để cân nhắc việc đầu tư cũng như là quá trình phân bổ nguồn vốn. Tuy nhiên dù sao thì nó cũng chỉ là 1 trong những tham số mà thôi, đừng quan trọng hóa, cũng đừng thần thánh hóa VIX lên.

Điều cốt lõi quan trọng nhất vẫn luôn là cái mà nó phản ánh. VIX phản ánh từ SPX-SPY, cũng tức là phản ánh từ nền kinh tế Hoa Kỳ. Đó mới là điều bạn cần phải bỏ công sức để quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ số VIX luôn luôn là 1 trong những chỉ số quan trọng, mà bạn cần phải để tâm đến khi phân tích thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nói riêng, khi phân tích nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung.

Điều cuối cùng: Vì VIX tồn tại dưới dạng chỉ số (Index). Nên bạn sẽ không thể mua bán theo kiểu bình thường như mua bán cổ phiếu được. Mà bạn chỉ có thể giao dịch thông qua các hợp đồng phái sinh như CFDs hay Futures, Options…

Thân chào và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo!

No Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *