ETFs mô phỏng chỉ số S&P500 nào là tốt nhất: SPY, VOO hay IVV?
Trước khi tới với nội dung chính của bài viết, có lẽ chúng ta nên làm rõ (hay ôn lại) vài khái niệm cơ bản trước, như là: Chỉ số S&P500 là gì? Và ETFs là gì?
Chỉ số S&P 500 viết đầy đủ là Standard & Poor’s 500 Stock Index, là một chỉ số chứng khoán được tính toán dựa trên thị giá cổ phiếu của 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ. Ở một gốc độ nào đó, chỉ số S&P 500 cũng phản ánh và đại diện cho cả nền kinh tế Mỹ thông qua việc phản ánh những đặc điểm rủi ro và lợi nhuận của các công ty hàng đầu tại Mỹ.
Ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, chúng ta thường hay bắt gặp 3 mã ETFs (ETFs là một tập hợp các cổ phiếu) mô phỏng lại chỉ số S&P 500, đó chính là SPY (trọng tâm của trang web này) và 2 mã ETFs khác là: VOO & IVV. Khi bạn mua các ETFs này tức là bạn đang đặt niềm tin của mình vào cả nền kinh tế Mỹ chứ không phải là một công ty riêng lẻ nào đó.
Ngày nay, chỉ số S&P 500 được xem là xương sống của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Ngài Warren Buffett cũng đã nhiều lần nói rằng: Danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nên có một quỹ chỉ số ETF S&P 500.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường, thường họ hay bị nhầm lẫn hoặc thậm chí bị choáng ngợp bởi vì có quá nhiều cách thức khác nhau để họ có thể đầu tư vào chỉ số S&P 500. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ cố gắng trình bày để bạn đọc có thể hiểu được phần nào 3 quỹ ETFs lớn nhất của S&P 500 là SPY, VOO và IVV. Hy vọng là có thể giúp bạn lựa chọn được cái phù hợp với riêng mình. Nào bắt đầu nhé!
SPDR S&P500 ETF (SPY)
SPY là một trong những quỹ ETF đầu tiên, được thành lập vào năm 1993. Nói thế không có nghĩa là trước 1993 không có quỹ chỉ số, vào năm 1974 John Bogle đã thành lập Vanguard. (Tượng đài – Huyền thoại đầu tư John Bogle – Ngài vừa mất vào ngày 16 tháng 1 năm 2019). Ngài giới thiệu quỹ chỉ số đầu tiên vào năm 1975. Nhưng khổ cái là ở thời bấy giờ, các quỹ chỉ số thường tồn tại dưới cái bóng của quỹ tương hỗ (quỹ đầu tư) nào đó, nên không thể (hoặc rất khó) để giao dịch 1 cách bình thương như các cổ phiếu riêng lẻ.
Và rồi SPY ra đời – khắc phục nhược điểm đó, điều đó cũng có nghĩa là SPY đã mang quỹ chỉ số đến với Phố Wall như 1 cổ phiếu riêng lẻ bình thường. SPY là ETF rất phổ biến, và thị giá của nó theo rất sát với chỉ số mà nó mô phỏng S&P500. Bởi vì các khâu trung gian theo dõi rất sát sao, luôn sẵn sàng xử lý bất kỳ sự khác biệt nào giữa thị giá của ETF và thị giá của các thành phần cấu tạo nên ETF. Các lổ trống khác biệt chênh lệch giá này, sẽ được trám vào tức thì và cực kỳ nhanh chóng, đặc biệt là ở thời đại kỹ thuật số này. Việc lợi dụng sơ hở này để kiếm chát trong thời buổi này gần như là không còn cửa nữa.
Tính đến tháng 5 năm 2018, SPY quản lý hơn 255 tỷ đô la tài sản, biến nó thành ETF mô phỏng S&P500 lớn nhất trên thị trường. Tỷ lệ chi phí là 0,09% mỗi năm, cao hơn một chút so với hai quỹ ETF khác mà chúng tôi sẽ xem xét ở dưới đây.
iShares Core S&P500 ETF (IVV)
IVV là ETF mô phỏng S&P500 lớn thứ hai, với hơn 142 tỷ đô la tài sản tính đến tháng 5 năm 2018. Tỷ lệ chi phí là 0,04% mỗi năm, làm cho nó rẻ hơn một chút so với SPY. Trong nhiều trường hợp IVV có mức phí hoa hồng khá thấp khi mua bán, thậm chí là miễn phí hoa hồng khi thỏa mãn các yêu cầu của quỹ iShares – quỹ iFares ETF. (Thí dụ như tài khoản giao dịch tại Fidelity Investments chẳng hạn)
Vanguard S&P500 ETF (VOO)
Vanguard là nhà cung cấp quỹ chỉ số lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đối với trường hợp ETF mô phỏng lại chỉ số S&P500 thì họ chỉ xếp hạng thứ ba. Tính đến tháng 5 năm 2018, VOO quản lý hơn 87 tỷ đô la tài sản. Tỷ lệ chi phí là 0,04% mỗi năm. Các quỹ ETF của Vanguard được miễn phí hoa hồng nếu bạn mua và bán chúng trong tài khoản môi giới của Vanguard.
Vậy tôi nên chọn ETF mô phỏng nào của S&P500
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng: Sự khác biệt giữa 3 ETFs này SPY, IVV và VOO là tương đối nhỏ. Đừng chú trọng quá nhiều vào những sự khác biệt này. Trong giao dịch thực tế, bạn cũng chẳng cảm thấy có sự khác biệt gì là quá đáng kể cả. Chẳng qua là có 1 số lợi thế nho nhỏ đối với công ty môi giới – nơi bạn mở tài khoản giao dịch thôi. Còn việc nói ETFs này tốt hơn do có tái đầu tư bằng cổ tức chỉ là chuyện phiếm vớ vẩn.
Nếu bạn có thể mở tài khoản giao dịch với các công ty môi giới trực thuộc hoặc là có liên kết với các quỹ Vanguard & iShares – iFares ETF (Fidelity Investments) thì bạn nên chọn tương ứng với nó. Vì sẽ được miễn phí hoa hồng, điều này mang lại lợi thế so với SPY.
Những ai nên chọn SPY?
Điều dễ dàng nhận thấy nhất ở SPY chính là khối lượng giao dịch hàng ngày lớn nhất, sự chênh lệch giữa giá mua – giá bán có thể nói là tốt nhất. Bạn đoán đúng rồi đấy: Tất cả những ai ưu thích việc giao dịch ngắn hạn đều nên chọn SPY. Thậm chí là khi bạn giao dịch phái sinh với hợp đồng quyền chọn Options thì cũng nên chọn SPY (thay vì IVV hoặc VOO) với lý do tương tự: Thanh khoản tốt nhất.
Ngoài ra trong trường hợp bạn không ở các quốc gia thuộc về khối đồng minh của Hoa Kỳ – Như Việt Nam chẳng hạn, bạn cũng nên chọn SPY. Bởi lẽ việc mở tài khoản ở Fidelity, Vanguard sẽ rất khó khăn, nếu như không muốn nói rằng gần như là không thể.
LƯU Ý: Hãy nhớ rằng Fidelity không cho phép giao dịch miễn phí hoa hồng trên các quỹ ETF của họ cho giao dịch ngắn hạn (họ sẽ tính phí giao dịch ngắn hạn nếu bạn giữ ETF dưới 30 ngày). Vanguard cho phép bạn giao dịch VOO tối đa 25 lần trong vòng 12 tháng , sau đó họ có thể khóa bạn khỏi giao dịch bảo mật trong 60 ngày.
Phần kết luận
Chúng ta mở tài khoản môi giới chứng khoán, đương nhiên không phải chỉ làm 1 việc duy nhất là mua bán 3 ETFs đã nói ở trên. Mà chắc chắn sẽ còn làm nhiều việc khác nữa, mua bán nhiều mã chứng khoán khác nữa. Cho nên nội dung của bài viết chỉ với mục đích làm sáng tỏ hơn về 3 ETFs đó mà thôi.
Cả 3 ETFs: SPY, VOO và IVV đều là những lựa chọn tuyệt vời, để bạn tiếp cận được chỉ số S&P500. Nói chung, chẳng có sự khác biệt đáng kể giữa 3 chọn lựa này. Nếu bạn cho rằng SPY có tỷ lệ chi phí là 0,09% mỗi năm cao hơn gấp đôi so với 2 mã ETFs còn lại là 0,04% mỗi năm, thì bạn nên nhớ rằng SPY cũng có thanh khoản tốt nhất, chênh lệch giá mua bán tốt nhất, mà chắc gì bạn giữ đủ lâu dài chứ? Còn về phí hoa hồng thì tùy công ty môi giới thôi, tuy nhiên nếu muốn miễn phí hoa hồng thì phải chịu những ràng buộc như phần lưu ý phía trên đã nói.
Nói tóm lại thì riêng trường hợp của tác giả vẫn yêu thích SPY hơn, một lý do cực kỳ quan trọng là vì tác giả rất thường xuyên sử dụng hợp đồng quyền chọn Options – Tính thanh khoản là yếu tố rất quan trọng. Trong những trường hợp đã nguy cấp rồi, mà giá mua giá bán (Bid/Ask) còn chênh nhau cả khúc nữa thì có mà khóc tiếng I rắc mất.
Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ sao? Bạn sẽ chọn ETFs mô phỏng S&P 500 nào trong danh mục đầu tư của mình?
No Responses