Người quản lý danh mục đầu tư – khác rất xa với người giao dịch
Có thể bạn đã nghe qua câu nói này: Bạn là người phân tích hay người giao dịch? Hàm ý chê bai những người phân tích, những người chỉ giỏi lý luận và chỉ biết sống trong mớ lý luận tháp ngà. Đương nhiên, nhóm người chỉ biết phân tích đó, thì đúng là nên “lặn đi cho nước nó trong”. Tuy nhiên, đừng nhầm lẩn với một nhóm người khác, chính là nhóm người quản lý danh mục đầu tư.
Người quản lý danh mục đầu tư, họ cần một lượng kiến thức rất rộng rất sâu. Nói cho nó hoành tráng thì người quản lý danh mục đầu tư cần một lượng kiến thức rất khủng, mà còn phải thường xuyên liên tục cập nhật. Cho nên việc thường xuyên đọc nhiều sách vở tài liệu, là điều gần như là bắt buộc phải làm.
Bởi vì công việc chính của người quản lý danh mục đầu tư, chính là: Dịch chuyển tỉ trọng cơ cấu danh mục đầu tư, qua lại giữa các nhóm tài sản.
Còn người giao dịch thì đa phần chỉ cần nhìn vào màn hình rồi “mút”.
Ở từng thời điểm, các phân nhóm tài sản sẽ có những ý nghĩa riêng. Và công việc của người quản lý danh mục đầu tư chính là đưa ra các quyết định sao cho phù hợp nhất giữa mối liên hệ: Bối cảnh thị trường và đặc tính của tài sản.
Hiển nhiên, để có thể làm được điều đó, họ cần hiểu khá nhiều về từng loại, từng phân nhóm tài sản như: Trái phiếu, Cổ phiếu, ETFs, Phái sinh, Bất động sản, Vàng bạc, xăng dầu, kim loại thường (hàng hóa, thương phẩm)… Đó là chưa nói đến yếu tố bối cảnh thị trường.
Lấy 1 thí dụ đơn giản về bối cảnh thị trường nhé: Nếu lãi suất ngân hàng đang giảm liên tục, mà chính quyền lại không ngừng bơm TIỀN vào nền kinh tế. Thì việc nắm giữ trái phiếu hay các loại chứng khoán có thu nhập cố định là điều hoàn toàn bất lợi. Lời gợi ý là thế này: Nếu lần sau bạn để ý thấy lãi suất ngân hàng đang hạ thì nên xem xét đến việc mua các dạng tài sản như: Cổ phiếu, bất động sản. Vàng bạc cũng ổn, tuy nhiên ở bối cảnh như thí dụ thì chưa chắc đã được tốt như cổ phiếu và bất động sản.
Ngoài ra, người quản lý danh mục đầu tư còn phải quan tâm đến đặc điểm khách hàng. Tức là phải hiểu rõ từng nhóm người: Người muốn an toàn khác với người có máu phiêu lưu mạo hiểm.
Hay nói cách khác, vì đặc tính công việc nên người quản lý danh mục đầu tư phải am hiểu khá nhiều thứ. Đôi khi bạn sẽ nhầm lẫn giữa 2 nhóm người này: Người quản lý danh mục đầu tư và người chỉ biết phân tích.
Công việc của người quản lý danh mục đầu tư khá nhiều, trong đó việc tiến hành mua bán chỉ là 1 phần công việc rất nhỏ với họ.
Còn với đa phần người giao dịch thì chỉ tập trung sự quan tâm vào 1 thứ duy nhất: Sự chênh lệch giá. Có những nguyên tác cần tuân thủ nghiêm túc với người giao dịch, thí dụ như: Chênh lệch đến đâu thì nên làm gì đó. Còn cái vụ gì đó thì tùy, có thể là lấy lời, cắt lỗ, hay trung bình thêm…
Phần lớn người giao dịch chỉ tập trung nhiều vào phân tích kỹ thuật. Hay nói cách khác, họ đang giao dịch tài sản có những “đặc điểm vật lý” gì cũng không biết, mà với lý luận của họ thì thật ra điều đó cũng không cần thiết phải biết. Ngoài ra, với người giao dịch, thông thường họ rất khó đảm nhận tốt công việc tư vấn tài chính.
Sự khác biệt này là do NỀN TẢNG LÝ LUẬN giữa 2 bên. Người quản lý danh mục đầu tư, thường không nhạy bén bằng người giao dịch. Người giao dịch thì thường không thấy được bối cảnh rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, nếu là người đã và đang thực chiến trong bất cứ thị trường tài chính nào đi chăng nữa. Thì chắc hẳn bạn sẽ vui vẻ đồng ý: Kết quả – lợi nhuận mới là yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư tài chính.
Cũng như là câu nói, trong đầu tư tài chính: Thua là thua, thắng là thắng. Không có bất cứ thứ gì ở giữa.
Mặc dù trong nội bộ giới đầu tư tài chính (từ cá nhân đến tổ chức) cũng chia 5 xẻ 7. Nhưng tất cả chúng ta đều có 1 đặc điểm chung là: Từng thắng, từng thua, từng mất tiền, từng kiếm ra tiền, và quan trọng nhất là vẫn còn tiếp tục chiến đấu… Khác rất xa với những người chỉ biết phân tích.
Nói tóm lại thì thế này: Tất cả những người có thực chiến trong tài chính, đều ghét bỏ xừ bọn lý luận suông, nói thì giỏi mà ứ bao giờ chịu bỏ tiền vào tham chiến.
No Responses