Đa dạng hóa: Cách đơn giản nhất – dễ dàng nhất để giảm rủi ro khi đầu tư cho bạn

Đa dạng hóa là cách đơn giản nhất giảm thiểu các rủi ro, nhưng đồng thời cũng là cách sinh lời hiệu quả trên con đường dài hạn của đầu tư tài chính. Điều này nghe qua rất khó tin, đặc biệt là có những đầu sách liên tục chê bai sự vô dụng của việc đa dạng hóa. Tuy nhiên, chẳng có ai lại đổ dồn toàn bộ tiền bạc của mình vào 1 dự án, 1 khoản đầu tư cả, trừ trường hợp bạn muốn mất trắng vào 1 ngày đẹp trời nào đó. Thậm chí là những bà nội trợ cũng thừa hiểu rằng, cần phải đa dạng hóa như: 1 phần gửi tiết kiệm – Mà còn phải gửi ở nhiều ngân hàng… 1 phần khác thì mua vàng… Thêm 1 phần khác nữa để mua nhà cửa đất đai chẳng hạn.

da-dang-hoa

Tất cả những điều đó đều là đa dạng hóa: Đa dạng hóa cổ phiếu tức là mua nhiều cổ phiếu khác nhau. Tuy nhiên đa dạng hóa không phải chỉ có ý nghĩa hạn hẹp như thế, đa dạng hóa tài chính cá nhân, chính là mua nhiều phân nhóm tài sản khác nhau (như thí dụ bà nội trợ phía trên). Hoặc đa dạng hóa tài chính doanh nghiệp cũng vậy, doanh nghiệp có rất nhiều phân nhóm tài sản khác nhau chứ không phải chỉ có một và duy nhất chỉ một.

Quỹ chỉ số – thí dụ như S&P500 (SPX), Quỹ ETFs – thí dụ như SPY: Đó chính là 1 minh chứng rõ ràng nhất cho sự đa dạng hóa. Đầu tư vào SPX – SPY chính là đầu tư vào 500 công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ, chứ không phải duy nhất 1 công ty.

Đa dạng hóa là gì?

Đa dạng hóa có nghĩa là sở hữu một loạt nhiều phân nhóm tài sản khác nhau, các phân nhóm tài sản trên nhiều ngành nghề khác nhau… Thậm chí là ở những khu vực địa lý khác nhau (Cổ phiếu Việt Nam, Cổ phiếu Hoa Kỳ, Cổ phiếu Châu Âu…) Quá trình phân bổ tài sản này, tùy thuộc chủ yếu vào kế hoạch đầu tư – Cũng như là mục tiêu đề ra (dài hạn, ngắn hạn, rủi ro, an toàn, tăng trưởng, chống lạm phát, hay chỉ đơn giản là để dành lúc nghỉ hưu). Bởi lẽ các phân nhóm tài sản khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau:

+ Cổ phiếu: Mang lại lợi nhuận dài hạn cao nhất nhưng kém ổn định, biến động lớn.

+ Trái phiếu: Lợi nhuận thu được rất khiêm tốn, nhưng bù lại khá đều đặn và mức biến động thấp.

+ Các quỹ ETFs hoặc quỹ tương hỗ: Mặc định là đã có sẵn đa dạng hóa, đơn giản, và nhanh chóng.

+ Ngoài ra cũng có những phương thức đòi hỏi nhiều kiến thức – kinh nghiệm hơn: Trái phiếu chuyển đổi, giao dịch đối xung, chiến lược chênh lệch giá, các hợp đồng chứng khoán phái sinh v.v…

Đa dạng hóa có nhiệm vụ chính là chống lại sự biến động lớn. Ở những bối cảnh – thời điểm nhất định, phân nhóm này (hoặc cổ phiếu này) sẽ sinh lời tốt hơn các phân nhóm khác. Nhưng ở những tình huống khác, cũng phân nhóm này (hoặc cổ phiếu này) lại thê thảm cực kỳ. Đa dạng hóa sẽ làm cho tổng danh mục đầu tư về mặt tổng thể ổn định hơn – Có rất ít sự biến động lớn. Về dài hạn, các quỹ tương hỗ thụ động như quỹ chỉ số & quỹ ETFs sẽ sinh lợi tốt hơn. Tuy nhiên, trong những khoảng thời gian ngắn hạn, có thể mọi thứ tạm thời sẽ không được tốt đẹp cho lắm.

Đa dạng hóa sẽ giảm thiểu rủi ro của tổng doanh mục, điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ không thể “hứng trọn” những cú tăng phi mã – hoặc là những cú rơi như mưa sao băng. Tổng danh mục chỉ tăng trưởng với 1 hiệu suất chậm và khá ổn định, đường vẽ của lợi nhuận sẽ mượt mà hơn. Không có những trường hợp đi lên – đi xuống theo kiểu quá nhanh quá bất ngờ. Những mức biến động vừa phải này – đa phần sẽ phù hợp với nhiều nhà đầu tư, vì họ cảm thấy thoải mái hơn – Nhưng không phải là với tất cả, cũng có những người yêu thích cảm giác mạnh. Tùy bạn lựa chọn vậy. Cũng là câu đó: Dù gì thì cũng là tiền của bạn mà, bạn có toàn quyền tự quyết định lấy.

Basket Egg Investment Portfolio Concept

Những cách thông dụng về đa dạng hóa

Mặc dù đa dạng hóa giúp bạn chống lại những sự biến động lớn – từ đó giảm thiểu rủi ro trong tổng danh mục đầu tư. Nhưng nó cũng không thể hoàn toàn loại bỏ rủi ro, bởi lẽ trong đầu tư có hai loại rủi ro:

+ Rủi ro có thể ước lượng: Bao gồm những rủi ro đến từ những đặc thù của tài sản, như là tình hình kinh doanh của công ty, thị giá cổ phiếu rơi không phanh do các tin đồn…

+ Rủi ro không thể ước lượng: Khủng hoảng kinh tế, chính sách tiền tệ, lãi suất của ngân hàng trung ương, thiên tai, lũ lụt, khủng bố v.v…

Việc đa dạng hóa sẽ khó phát huy tác dụng nếu bạn chỉ mua nhồi các cổ phiếu cùng loại – cùng ngành. Lấy thí dụ như vào cuộc khủng hoảng tài chính, nếu danh mục đầu tư của bạn lại chỉ toàn là cổ phiếu của nhánh ngành ngân hàng thì có mà đau tim, mất ngủ. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều, nếu trong danh mục của bạn bao gồm nhiều thứ hơn: Có cổ phiếu ngành ngân hàng, có cổ phiếu ngành y tế, có cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu, có trái phiếu v.v… Sẽ tốt hơn nữa, nếu ở Việt Nam có 1 ít cổ phiếu, Hoa Kỳ có 1 ít cổ phiếu, Singapore có 1 ít cổ phiếu v.v… Cuộc sống mà, đâu ai nói trước được điều gì phải không bạn?

Làm thế nào để đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn

Trước tiên, đa dạng hóa là 1 công việc vô cùng khó khăn, chứ không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn cần tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu nghiên cứu các cổ phiếu riêng lẻ, rồi những lĩnh vực ngành nghề – thị trường khác, các phân nhóm tài sản khác…

Việc đa dạng hóa cũng được chia ra 1 số thứ tự, từ cơ bản đến phức tạp, sau đây là ba cách đa dạng hóa thường gặp ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Bạn có thể tham khảo rồi tự xem xét cho công việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của riêng bạn:

Cách đa dạng hóa cơ bản:

Cách 1 Cách 2 Cách 3
+ 30% quỹ trái phiếu

+ 70% quỹ chỉ số hoặc quỹ ETFs

+ 50% quỹ trái phiếu

+ 50% chia đều cho 5-7 nhóm ngành nghề của cổ phiếu riêng lẻ.

+ 40% quỹ chỉ số hoặc quỹ ETFs

+ 40% quỹ trái phiếu

+ 10% quỹ trái phiếu rác (loại trái phiếu rủi ro).

+ 10% dành cho cổ phiếu riêng lẻ

 

 

Cách đa dạng hóa trung bình:

+ 25% Quỹ chỉ số hoặc quỹ ETFs

+ 20% Midcap fund – Quỹ cổ phiếu có vốn hóa trung bình

+ 30% Quỹ trái phiếu

+ 15% Small-cap fund – Quỹ cổ phiếu có vốn hóa nhỏ

+ 10% Developing markets fund – Quỹ phát triển thị trường, có đặc điểm rủi ro cao. Cũng có thể thay thế bằng các quỹ trái phiếu rác.

Ở các quốc gia, khu vực địa lý khác nhau, cách phân định về vốn hóa (lớn, trung bình, nhỏ) là khác nhau. Tuy nhiên, điều này có thể truy tìm dễ dàng với intenet bằng google. Ở các trang web tài chính, đa phần cũng đã có phân chia sẵn các nhóm ngành nghề, mức vốn hóa của các cổ phiếu & quỹ… Mọi thứ cũng không phải quá phức tạp, chỉ cần tốn ít thời gian để đọc là được.

Cách đa dạng hóa phức tạp:

+ 20% Quỹ chỉ số hoặc quỹ ETFs

+ 15% Midcap fund – Quỹ cổ phiếu có vốn hóa trung bình

+ 15% Quỹ trái phiếu ngắn hạn

+ 15% Small-cap fund – Quỹ cổ phiếu có vốn hóa nhỏ

+ 10% Developing markets fund – Quỹ phát triển thị trường

+ 10% Quỹ trái phiếu trung hạn

+ 5% Quỹ trái phiếu dài hạn

+ 10% Quỹ bất động sản

Một trong những lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư thụ động (không tiêu tốn nhiều thời gian công sức), đó chính là quỹ chỉ số – quỹ ETFs dựa theo chỉ số S&P 500. Đó là 1 chỉ số chứng khoán có mức đa dạng hóa tốt: Với 500 công ty lớn nhất của Mỹ, có nhiều ngành nghề khác nhau… Mặc dù các công ty này có trụ sở tại Mỹ, nhưng lại tạo ra một phần doanh số rất lớn từ nước ngoài. Vì vậy SPX – SPY thường được mọi người xem là cách đa dạng hóa tốt nhất.

SPX – SPY có 1 nhược điểm là chỉ tập trung vào cổ phiếu. Do đó, bạn có thể thêm các quỹ trái phiếu vào danh mục đầu tư của chính mình. Ở Hoa Kỳ, trái phiếu được chia làm nhiều loại, quỹ trái phiếu cũng được chia ra làm nhiều loại… Nói quỹ trái phiếu không không, thì mọi người sẽ nghĩ đến quỹ trái phiếu hỗn hợp.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phân bổ danh mục đầu tư, bằng cách liệt kê càng chi tiết càng tốt những mục tiêu của bạn: đầu tư để làm gì, khi nào cần rút ra, nguồn vốn hiện có bao nhiêu, hàng tháng có thể bổ sung thêm bao nhiêu vốn v.v… Khi đã có những mục tiêu rõ ràng cụ thể, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp – tư vấn của các chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, đừng hiểu lầm là các vị chuyên gia tài chính này sẽ giúp bạn trở nên giàu có một cách nhanh chóng, họ chỉ có thể giúp bạn né tránh những rủi ro cạm bẫy không đáng có. Cả đời họ đã sống trong khu rừng rậm tài chính rồi, nếu có sự hướng dẫn của họ: Bạn hoàn toàn có thể an toàn hơn, ít thiệt hại hơn, và đạt được mục tiêu trên con đường đủ dài hạn.

Chúc vui, và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo!

No Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *