9 tài sản giúp chống lại lạm phát
100 USD hay 100 ngàn VNĐ của năm 2021 này, sẽ không thể mua được cùng 1 giá trị (số lượng) hàng hóa trong 10 năm tới. Và đó chính là lạm phát.
Thế lạm phát là gì? Lạm phát chính là một thước đo – để đo lường mức giá trung bình của 1 rổ hàng hóa và dịch vụ trong 1 nền kinh tế. Lạm phát phản ánh sự gia tăng giá cả trong 1 khoảng thời gian nhất định nào.
Cùng 1 số tiền, nhưng theo thời gian và năm tháng, bạn sẽ càng lúc càng mua được ít thứ hơn. Đó là bởi vì lạm phát. Do đó, bạn cần phải có những cách thức phù hợp để phòng ngừa lạm phát.
Mức lạm phát của 1 nền kinh tế thay đổi do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, 2 lý do chính yếu và trực tiếp nhất chính là tăng lương và giá nguyên liệu thô (nguyên liệu đầu vào) tăng nhanh, thí dụ như dầu, kim loại thô…
Lưu ý rằng: Bơm tiền hay in tiền, không phải là nguyên nhân trực tiếp làm tăng lạm phát. Muốn có lạm phát thì phải có chi tiêu, hay nói cách khác chính chi tiêu mới là nguyên nhân trực tiếp làm tăng lạm phát. Và nguyên nhân khiến cho chi tiêu tăng thì thường có 2 lý do chính được trình bày ở trên: tăng lương và giá nguyên liệu thô tăng.
Ở nền kinh tế hiện đại của chúng ta, lạm phát gần như là điều được xem là tất nhiên. Miễn là mức lạm phát vẫn được duy trì ở 1 mức độ vừa phải, là không mấy ai cảm thấy bực mình vì điều đó. Thì tăng lương cũng là 1 hình thức làm tăng lạm phát mà. Bạn nói là bạn không thích tăng lương đi.
Tuy nhiên, đối với 1 nhà đầu tư thì cần phải là nhiều hơn thế. Không thể trông chờ vào việc tăng lương (hay tăng giá bán) mãi được. Chúng ta cần những cách thức phòng ngừa lạm phát hiệu quả hơn. Và sau đây chính là danh sách bao gồm 9 tài sản giúp bạn làm được điều đó.
1.Vàng
Vàng thường được xem là 1 tài sản mang tính phòng thủ. Trên thực tế, nhiều người đã xem vàng như là một loại tiền tệ – Đặc biệt là ở những quốc gia có đồng nội tệ yếu kém. Các quốc gia này có xu hướng sử dụng vàng hoặc các loại tiền tệ mạnh khác – khi đồng nội tệ mất giá trầm trọng. Vàng được nhiều người xem là 1 tài sản thực, và họ tin rằng vàng sẽ giữ được giá trị theo năm tháng.
LƯU Ý: Lạm phát là do giá hàng hóa hoặc dịch vụ tăng lên. Giá hàng hóa hoặc dịch vụ tăng là do cung và cầu . Nhu cầu tăng có thể đẩy giá cao hơn, trong khi giảm cung cũng có thể đẩy giá cao hơn.
Tuy nhiên, vàng không phải là một hàng rào hoàn hảo để chống lại lạm phát. Vì vàng không sinh ra dòng tiền.
Khi lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất như một phần của chính sách tiền tệ. Việc nắm giữ một tài sản như vàng – bình thường đã không thể sinh ra dòng tiền rồi – mà tăng lãi suất cũng không được nhận thêm phần lợi tức nào cả. Tất cả đều trông chờ vào việc gia tăng thị giá, mà việc gia tăng thị giá thì ai mà biết trước được? Biết trước thì làm gì còn ăn mày.
Có nhiều hình thức tài sản tốt hơn vàng trong việc chống lại lạm phát. Tuy nhiên, nhấn mạnh lại là tuy nhiên, đa dạng hóa chính là nguyên tắc quan trọng nhất trong đầu tư. Việc phân bổ 1 phần tài sản vào vàng là điều hoàn toàn cần thiết.
Ở thị trường chứng khoán Mỹ thì bạn có thể tham gia bằng hình thức nắm giữ ETFs vàng, có mã chứng khoán là GLD.
SPDR Gold Shares (GLD) là 1 lựa chọn rất đáng để bạn cân nhắc xem xét.
Ngoài ra, nếu bạn biết về hợp đồng quyền chọn – options. Bạn hạn chế được trường hợp nắm giữ mà không thể làm thêm được gì. Options sẽ giúp bạn sinh ra dòng tiền hàng tháng trong quá trình nắm giữ dài hạn đầy vô vị đó. Có thêm 1 dòng tiền nhỏ cũng tốt mà.
2.Hàng hóa
Hàng hóa là một khái niệm rất rộng, nó bao gồm ngũ cốc, kim loại, kim loại quý hiếm, dầu, thịt bò, cam, xăng dầu, khí đốt, ngoại tệ, thậm chí là 1 số công cụ tài chính phái sinh… tất cả đều được xem là hàng hóa.
Hàng hóa và lạm phát có 1 mối liên hệ rất thân thiết. Khi giá cả của hàng hóa tăng lên – Nó sẽ làm ra các sản phẩm mà những hàng hóa đó được sử dụng là nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo. Thí dụ như khi giá thịt bò tăng, thì giá tô phở cũng tăng.
Cho nên hàng hóa chính là chỉ báo rất sớm cho việc lạm phát đang chuẩn bị xảy ra. Vì hàng hóa thường là các nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra các sản phẩm và thành phẩm về sau.
May mắn thay, cho những ai biết được thị trường chứng khoán Mỹ. Vì chúng ta có thể đầu tư rất dễ dàng vào hàng hóa thông qua các ETFs. Có rất nhiều ETFs dạng hàng hóa. Nhưng tác giả chỉ giới thiệu với mọi người ETFs có mã chứng khoán là GSG.
Trước khi đầu tư vào hàng hóa, các nhà đầu tư nên biết rằng chúng có tính biến động cao và nhà đầu tư nên thận trọng trong giao dịch hàng hóa. Do hàng hóa phụ thuộc vào các yếu tố cung và cầu, nên một sự thay đổi nhỏ trong nguồn cung do căng thẳng hoặc xung đột địa chính trị có thể ảnh hưởng xấu đến giá cả của hàng hóa.
3.Danh mục đầu tư 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu
Danh mục đầu tư theo tỷ lệ 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu. Được coi là sự kết hợp an toàn, truyền thống giữa cổ phiếu và trái phiếu trong một danh mục đầu tư thận trọng.
Nếu bạn không muốn tự mình thực hiện công việc quản lý danh mục, cũng như là không muốn trả tiền cho người khác giúp bạn tập hợp 1 danh mục đầu tư theo tỷ lệ đó. Thì bạn có thể tham khảo mã chứng khoán này: DGSIX
Danh mục đầu tư theo tỷ lệ 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, là một chiến lược đầu tư đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, nó có nhược điểm khi tính về con đường lâu dài.
So với việc chỉ mua 100% các ETFs cổ phiếu như SPY chẳng hạn. Danh mục đầu tư 60/40 này sẽ kém hiệu quả hơn trong dài hạn. Tuy nhiên danh mục đầu tư 60/40 này lại giúp bạn phòng ngừa ở những thời điểm bùng nổ lạm phát hiệu quả hơn.
4.REITs của bất động sản
Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITs) là các công ty sở hữu và vận hành nhiều bất động sản cho thuê khác nhau – Tạo ra dòng tiền bằng cách cho thuê.
Khi lạm phát tăng: Giá bất động sản và giá thuê bất động sản có xu hướng tăng theo. Đó chính là lý do các REIT là lựa chọn khá tốt để bạn phòng ngừa lạm phát. REIT tiêu biểu nhất chính là mã chứng khoán VNQ.
REITs cũng có một số nhược điểm: Khi lãi suất tăng, trái phiếu kho bạc sẽ được quan tâm hơn. Điều này sẽ làm cho nhiều người rút tiền ra khỏi các quỹ REITs, và làm cho giá cổ phiếu của REITs bị giảm đi.
Ngoài ra, REITs bị đánh thuế rất cao. Tùy theo từng khu vực của tiểu bang (hay thành phố) mà có nhiều mức thuế khác nhau. Tuy nhiên phần lớn các mức thuế của REITs đều khá cao.
5.S&P 500
Xét trên lịch sử: Cổ phiếu có tiềm năng tăng giá cao nhất trong dài hạn. Nhìn chung, những doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ lạm phát là những doanh nghiệp cần ít vốn (trong khi những doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên là những doanh nghiệp thua lỗ do lạm phát).
Hiện tại, S&P 500 có sự tập trung cao của các doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ truyền thông. (chiếm 35% trong chỉ số.) Cả công nghệ và dịch vụ truyền thông đều là những ngành kinh doanh nhẹ vốn. Vì vậy, những công ty này phải là những người chiến thắng lạm phát. Và kéo theo chỉ số S&P500 cũng sẽ là người chiến thắng lạm phát (đặc biệt là càng về dài hạn)
Có nhiều ETFs mô phổng chỉ số S&P500. Tuy nhiên, tác giả sẽ khuyên bạn chọn SPY. Và SPY cũng chính là trọng tâm của trang web chungkhoanphaisinh.net này.
Nhược điểm chung của các chỉ số lớn ngày nay, chính là tập trung quá nặng vào 1 vài công ty lớn hàng đầu. Và chỉ số S&P500 cũng vậy. Khi những công ty lớn này bị suy giảm là sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ số – bao gồm cả S&P500.
6.Nhà cửa đất đai
Nhà cửa đất đai – hay nói chung là bất động sản có thiên hướng chống lại lạm phát rất tốt. Theo quan điểm của cá nhân tác giả thì bất động sản chống lạm phát còn tốt hơn cả vàng.
Nhìn chung, bất động sản hoạt động rất ổn trong môi trường lạm phát. Khi lạm phát tăng – Giá cả của bất động sản thường sẽ tăng – Và số tiền cho thuê của bất động sản cũng tăng.
Nhược điểm của bất động sản:
+ Chi phí giao dịch cao, đòi hỏi vốn lớn (so với mua cổ phiếu hay trái phiếu)
+ Thanh khoản không cao – Tức là không thể bán đi 1 cách nhanh chóng và dễ dàng, mà không bị mất giá đáng kể.
+ Đòi hỏi chi phí bảo dưỡng, quản lý, bảo trì …
+ Trách nhiệm pháp lý …
7.Chỉ số trái phiếu tổng hợp
Nhìn chung, các chỉ số trái phiếu tổng hợp (hỗn hợp) thường có xu hướng chống lại lạm phát khá tốt. Nó thường bao gồm rất nhiều loại trái phiếu khác nhau, và rất nhiều kỳ hạn trái phiếu khác nhau. Có thể lấy thí dụ như mã chứng khoán này: AGG
Nhược điểm của trái phiếu là mức lợi tức cố định. Tuy nhiên, do quỹ trái phiếu hỗn hợp sở hữu nhiều loại trái phiếu khác nhau, nhiều kỳ hạn khác nhau. Cho nên mức phòng ngừa lạm phát nhìn chung là có hiệu quả, tuy nhiên cũng không phải là hiệu quả nhất. Cái hiệu quả nhất để phòng ngừa lạm phát thì xem số 9 nhé.
8.Quỹ cho vay rủi ro
Khi 1 công ty (hoặc 1 cá nhân) có điểm tín dụng thấp, hoặc là đã có mức nợ cao trước đó. Thì những khoản vay này được xem là những khoản vay rủi ro – và do đó nó yêu cầu mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều.
Các khoản vay rủi ro này có tên gọi chuyên môn riêng. Nhưng ở phạm vi bài viết này thì bỏ qua đi. Nhiều khoản vay rủi ro giống như vậy, sẽ được gộp chung lại với nhau và tạo thành 1 mã chứng khoán, thí dụ như: BKLN
Các khoản vay rủi ro thường có lãi suất thả nổi, điều này giúp việc phòng chống lạm phát rất tốt.
Các khoản vay rủi ro có nguy cơ bị mất vốn là rất cao. Tuy nhiên, khi gộp nhiều khoản vay lại cùng nhau thì khả năng mất sạch vốn sẽ thấp lại. Dù thấp lại nhưng mức rủi ro của nó cũng là rất lớn – chính vì vậy mà mức lãi suất cho vay của nó cũng cao hơn. Tùy bạn, còn riêng tác giả thì không thích dạng này cho lắm.
9.Trái phiếu chống lạm phát (TIPS)
Treasury inflation-protected securities. Viết tắt là TIPS.
TIPS là một trái phiếu kho bạc điều chỉnh theo lạm phát để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những tác động tiêu cực của việc tăng giá. Giá trị gốc của TIPS tăng khi lạm phát tăng.
Nếu chỉ quan tâm đến mỗi 1 việc là phòng ngừa lạm phát thì TIPS là lựa chọn rất tốt. Tuy nhiên, nó cũng chẳng tốt gì nếu xem xét trên phương diện lịch sử tài chính Mỹ trên con đường dài hạn. Nhìn chung là thua SPY – Nếu quan tâm đến dài hạn: Bạn nên mua và giữ SPY thì vẫn hơn.
Có 3 mã ETFs về TIPS muốn giới thiệu các bạn là: TIP, SCHP, TDTT.
Mặc dù TIPS có thể trông giống như một khoản đầu tư hấp dẫn, nhưng có một số rủi ro mà các nhà đầu tư cần lưu ý. Nếu có giảm phát hoặc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, số tiền gốc có thể giảm xuống. (tùy loại trái phiếu)
Nếu mệnh giá trái phiếu tăng lên, bạn cũng sẽ phải trả nhiều thuế hơn (và điều này đôi khi ăn sạch số lợi nhuận bạn kiếm được từ TIPS). Ngoài ra TIPS sẽ bị biến động ngay lập tức khi lạm phát thay đổi, do đó, nếu bạn bán TIPS đi trong những khoảng thời gian biến động đó (trước khi đáo hạn), có thể bạn sẽ thua lỗ mất 1 số tiền.
Tạm kết
Thị trường chứng khoán Mỹ có rất nhiều sản phẩm tài chính khác nhau. Muốn gì cũng có. Và việc có hiểu biết về hợp đồng quyền chọn – Options sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Đặc biệt là những bạn có sở thích và thói quen mua và nắm giữ dài hạn.
Bởi, tác giả tôi vẫn thường hay nói: Ở chứng khoán Mỹ rất sướng: Muốn đầu tư gì cũng có, muốn tham gia sản phẩm tài chính nào cũng có… Có hết.
Còn về chống lạm phát. Theo tác giả thì cách tốt nhất vẫn là mua và nắm giữ dài hạn S&P500 – SPX – SPY. Nếu xét trên con đường dài hạn, cách này vẫn tốt hơn so với rất nhiều cách thức khác. Ngoài ra thông qua nắm giữ dài hạn SPY, kết hợp với options, bạn có thể làm được rất nhiều thứ.
Thậm chí là dùng options để chuyển đổi việc nắm giữ cổ phiếu SPY thành trạng thái tương đương với trái phiếu cũng được. Làm được hết.
Bạn không làm được là bởi vì kiến thức của bạn chưa tới thôi.
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
No Responses