Phân tích SPY tháng 07/2020
Cách đây ít hôm, cô bé học trò mới (bên Úc) nhắn tin hỏi: Ở bài viết tháng trước, sao Thầy đoán được SPY sẽ giao động mạnh quanh khu vực 300, rồi có xu hướng biến động dần theo hướng tăng lên vậy Thầy? Và đây là câu trả lời: Anh phán bừa và may mắn trúng thôi. Chứ anh mà đoán được đỉnh đáy, đoán được hướng đi của thị trường… Thì anh đã mua sạch sành sanh tất cả mọi thứ trên cái trái đất này từ lâu lắm luôn rồi em.
Nếu có ai đó dám vỗ ngực xưng tên chắc chắn 100% dự đoán được thị trường (tài chính, chứng khoán) thì chỉ có 2 trường hợp mà thôi: Một là lính mới tay ngang, hai là mấy tay lừa đảo dối trá. Bạn không cần thiết phải tin những gì tôi nói. Cứ để thời gian cho bạn câu trả lời. Chứ riêng cá nhân tôi thì trải nghiệm những tình huống như thế nhiều lắm rồi.
Trong tháng vừa rồi, SPY đã thông báo việc chi trả mức cổ tức $1.3662 trên mỗi cổ phiếu – ETFs. Với ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/06/2020 và sẽ được chi trả vào ngày 31 tháng 7 năm 2020.
Một đặc điểm quan trọng, khi xem các bài viết được gửi về email trong tháng này. Tác giả tôi thấy rằng: Không còn nhiều luận điểm hay sự kiện mới nữa – đa phần chỉ là các sự kiện đã cũ xì như mấy tháng trước (bệnh dịch, làn sóng thứ 2, tiêu dùng, thương chiến, Fed, công ty công nghệ, phá sản, thất nghiệp, bầu cử, biểu tình…) Chẳng qua là tường thuật thêm, hay diễn giải lại theo 1 cách thức mới – sao cho phù hợp hơn với diễn biến tình huống của thị trường.
Những bài viết như ngày tàn – ngày phế gì đó của thị trường cổ phiếu cũng không còn xuất hiện nữa. Mà trái lại, những bài viết tích cực hơn đã xuất hiện nhiều hơn – Bên cạnh đó thì là những ngày viết chỉ dừng lại ở mức cảnh báo thận trọng ê dè. Có vẻ như thị trường đã bị bão hòa về tin tức. Và đang thiếu những tin tức đủ nặng cân để gây sốc.
Nỗi lo sợ cũng bị lờn thuốc.
Một trong những điều thú vị về tâm lý con người, đó chính là không thể duy trì trạng thái hoảng loạn trong thời gian dài. Nói cách khác, trạng thái hoảng loạn và sợ hãi tột độ của con người, chỉ là một điều gì đó mang tính chất tạm thời. Và nó luôn có những nhịp lên xuống đan xen lẫn nhau.
Tâm lý con người luôn tự học hỏi để thích nghi (hay chài lì) với những tình huống căng thẳng và kinh ngạc. Ví dụ, khi ai đó gặp phải những tình huống bạo lực như chiến tranh, sau một khoảng thời gian nhất định, về mặt cảm xúc và tâm lý, con người sẽ có xu hướng bắt đầu bình thường hóa những tình huống đó.
Những người sống trong vùng chiến sự, sau 1 thời gian rất sợ hãi. Cuối cùng thì họ sẽ học được cách thích nghi và sống cuộc sống hàng ngày của mình – Như thể là điều rất bình thường. Điều đó không có nghĩa là họ không ý thức được những nguy hiểm xung quanh – Chẳng qua là về mặt cảm xúc: Con người không thể duy trì trạng thái như sợ hãi và hoảng loạn trong một thời gian rất dài.
Thị trường chứng khoán – Tài chính cũng vậy thôi. Sau những khoảng thời gian lo sợ tột độ, những người tham gia thị trường cũng dần bị chai lì với nỗi sợ thị trường rơi điểm. Và rồi sau đó lại dần trở nên tham lam. Cứ thế mà vòng luẩn quẩn này trong tài chính chẳng bao giờ kết thúc: Cứ lo sợ rồi tham lam… Và tham lam rồi lại lo sợ…
Trong các thị trường tài chính, hãy nhớ lấy điều này: Đừng quá háo hức khi mọi thứ đang diễn ra theo cách của bạn. Và cũng đừng tuyệt vọng quá nhiều – đừng quá sợ hãi khi mọi thứ không theo diễn ra cách mà bạn mong muốn.
Đừng quá lo lắng về các thông tin phá sản.
Có lẽ bạn cũng biết được gần đây có không ít thông tin về các vụ phá sản hay dẹp bỏ phần lớn các hệ thống phân phối – Chi nhánh, của nhiều doanh nghiệp ở Mỹ. Đó thực sự là tin buồn, thậm chí là rất buồn cho những ai bị cho thôi việc. Tuy nhiên, đó là cách mà nền kinh tế vận hành – Loại bỏ những doanh nghiệp kém hiệu quả ra khỏi thị trường.
Về mặt này, Hoa Kỳ làm khá tốt. Đó là cách mà các doanh nghiệp Mỹ tự trở nên khỏe mạnh hơn (trong dài hạn). Khác với Nhật Bản và khối Âu Châu đã liên tục tạo ra những công ty zombie. Để hiểu rõ hơn về các công ty zombie của Nhật Bản và Âu Châu, bạn có thể xem qua bài viết này: Tại sao Fed bơm tiền mà lạm phát của USD lại giảm.
Cũng đừng quá lo lắng về làn sóng thứ 2 tại Mỹ.
Nói về làn sóng lây nhiễm thứ 2 thứ 3 gì đó, tác giả đã nói không ít trong những bài phân tích của mấy tháng trước liên tiếp rồi. Bạn có thể tìm đọc lại. Còn nếu không thì đơn giản thôi: Sợ làn sóng dịch bệnh tái phát thì lách sang QQQ (NASDAQ-100) là được, nhẹ nhàng. QQQ đã phá đỉnh cao nhất trước đó ngay trong mùa dịch rồi còn gì.
***** Và ngay sau đây, chúng ta sẽ đến với một thông tin quan trọng, nhưng lại không được nhiều bài viết hay tin tức nhắc đến, đó chính là Fed liên tục gợi ý về việc mua cổ phiếu.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ – Fed có thể mua cổ phiếu?
Đầu tháng 4, Janet Yellen (cựu Chủ tịch Fed) cho biết, về mặt kỹ thuật: Fed không có thẩm quyền pháp lý để mua cổ phiếu, và gợi ý rằng Fed nên có được sức mạnh quyền hạn đó (Như ngân hàng Nhật Bản và ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ).
Bà cũng nói thêm: “Tôi thực sự không nghĩ rằng nó cần thiết vào thời điểm này, nhưng về lâu dài sẽ không phải là một điều tồi tệ đối với Quốc Hội để xem xét lại các quyền lực mà Fed có đối với tài sản mà nó có thể sở hữu.”
Và bạn biết rồi đấy: Trước đây Fed cũng không có thẩm quyền pháp lý để mua trái phiếu doanh nghiệp, nhưng Fed vẫn tìm ra cách để làm được (mở rộng danh sách thu mua các loại trái phiếu). Ai mà biết được bây giờ Fed không có thẩm quyền để mua ETFs và cổ phiếu, rồi sau này cũng tìm ra được cách thì sao? Trong trường hợp thị trường cổ phiếu bị thêm những cú rơi xám hồn xanh mặt. Việc Fed mua cổ phiếu – được xem là phương sách cuối cùng.
Lý do tại sao Fed lại làm thế ư? Nếu thị trường cổ phiếu tiếp tục những cú rơi không phanh, nó sẽ làm hao mòn giá trị và tiền bạc của các khoản hưu trí của mọi người (thí dụ như 401k chẳng hạn). Điều này sẽ gây ra sự sợ hãi và hoảng loạn, và lại càng làm cho mọi người không muốn chi tiêu hơn. Với Mỹ thì 2/3 GDP đến từ chi tiêu – Không có chi tiêu thì chết là cái chắc. Người dân không chi tiêu thì nền kinh tế Mỹ cũng không thể hồi phục chứ đừng nói đến phát triển.
Và bạn hãy tạm thời quên cái chuyện lạm phát đi. Nếu ngay bây giờ mà Fed thấy được lạm phát tăng lên. Đó sẽ là 1 tin mừng đấy. Có lạm phát tức là bắt đầu có chi tiêu (cá nhân) và mở rộng (doanh nghiệp). Cũng có nghĩa là nền kinh tế dần hồi phục. Còn một khi không có chi tiêu và mở rộng, thì đào đâu ra lạm phát?
***** Theo trang web của Cục Dự trữ Liên bang, họ đã tạo ra một phương tiện đặc biệt vào tháng 3 năm 2020 và được quản lý bởi BlackRock (BLK) để mua trái phiếu. Hầu hết mọi người nhận thức rõ về việc mua trái phiếu đã xảy ra. Tuy nhiên, trong thỏa thuận quản lý đầu tư với BlackRock, hầu hết mọi người đã bỏ lỡ thực tế là Cục Dự trữ Liên bang cũng bao gồm những câu chữ – nhằm cho phép họ có thể giao dịch mua bán cổ phiếu. Nếu thực sự cần thiết – Fed sẵn sàng mua cổ phiếu. (xem ngay tấm hình phía dưới)
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ & Ngân hàng Nhật Bản đã mua cổ phiếu
Một số ngân hàng trung ương nước ngoài đã tích cực mua cổ phiếu trên thị trường. Ngân hàng Nhật Bản sở hữu hơn 70% vốn ETFs của Nhật Bản và đã bắt đầu mua từ năm 2010.
Ngoài ra, theo số liệu từ Q1 năm 2020. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sở hữu khoảng 100 tỷ đô la cổ phiếu Mỹ – Chủ yếu là các công ty công nghệ lớn và nổi tiếng. Theo một báo cáo gần đây, khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ gần 30% vào tháng 3, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã chi tiền mua nhiều hơn nữa. Theo luật định thì ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ phải tiết lộ việc nắm giữ cổ phiếu giao dịch tại Mỹ thông qua hồ sơ 13F hàng quý với SEC.
Về chỉ số sợ hãi VIX thì nay tiếp tục giảm xuống con số 27 – so với con số 36 của bài viết tháng trước. Thị trường không hẳn là đã ổn định, nhưng hiện tại vẫn không phải là mức lo lắng sợ hãi gì cả.
Còn bây giờ thì chúng ta đến với các chỉ số về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ như mọi khi.
GDP
Nền kinh tế Mỹ suy giảm 5% hàng năm trong quý đầu tiên của năm 2020. Trùng khớp với những ước tính trước đó. Kết thúc thời kỳ tăng trưởng mở rộng dài nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ.
Các số liệu tạm tính cho thấy có 1 sự điều chỉnh tăng lên đôi chút, dù rằng không đáng kể.
Thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 11,1% vào tháng 6 năm 2020, giảm xuống từ mức cao nhất mọi thời đại là 14,7% đạt được vào tháng 4. Và tốt hơn nhiều so với các dự đoán là 12,3%. Do nhiều người quay trở lại thị trường lao động sau những tuần bị hạn chế bởi coronavirus.
Số người thất nghiệp giảm 3,2 triệu xuống còn 17,8 triệu, trong khi việc làm tăng 4,9 triệu lên 142,2 triệu.
Lạm phát
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ giảm xuống 0,1% vào tháng 5 năm 2020 từ mức 0,3% trong tháng 4 và dưới mức dự báo là 0,2%. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2015, chủ yếu là do chi phí xăng dầu giảm 33,8%.
Ngoài ra, giá hàng may mặc giảm 7,9% và dịch vụ vận chuyển giảm 8,7% do nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa và người Mỹ buộc phải ở nhà do hạn chế khóa coronavirus.
Mặt khác, lạm phát thực phẩm tăng tốc lên 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2012, với giá thực phẩm tăng 4,8%.
Niềm tin kinh doanh
Chỉ số PMI Sản xuất ISM cho Hoa Kỳ đã nhảy vọt lên 52,6 vào tháng 6 năm 2020 từ 43,1 vào tháng Năm, phục hồi mạnh mẽ từ 43,1 vào tháng Năm và 41,5 vào tháng Tư và dễ dàng đánh bại kỳ vọng của thị trường là 49,5.
Số liệu đã chỉ ra sự mở rộng mạnh mẽ nhất trong hoạt động của nhà máy kể từ tháng 4 năm 2019 sau ba tháng liên tục bị gián đoạn virus.
Đơn đặt hàng mới (56,4 từ 31,8), sản xuất (57,3 từ 33,2) và giá (51,3 từ 40,8) tăng trở lại và việc làm (42,1 từ 32,1) và đơn hàng xuất khẩu mới (47,6 từ 39,5) giảm ít hơn.
“Nhu cầu, tiêu dùng và đầu vào đang đạt mức ngang bằng và được định vị cho một chu kỳ mở rộng theo nhu cầu khi chúng ta bước vào nửa cuối năm”, Timothy R. Fiore, Chủ tịch Viện Quản lý cung ứng cho biết.
Niềm tin tiêu dùng
Tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan dành cho Hoa Kỳ đã được điều chỉnh xuống 78,1 vào tháng 6 năm 2020 từ mức sơ bộ là 78,9 và so với 72,3 vào tháng Năm. Các điều kiện kinh tế hiện tại subindex giảm xuống 87,1 từ ước tính ban đầu là 87,8 và chỉ số kỳ vọng xuống 72,3 từ 73,1 ban đầu.
Giấy phép xây dựng bất động sản
Giấy phép xây dựng ở Hoa Kỳ đã tăng 14,4% so với một tháng trước đó lên mức 1,220 triệu hàng năm được điều chỉnh theo mùa vào tháng 5 năm 2020, sau khi chạm mức thấp trong 5 năm vào tháng Tư và so với kỳ vọng của thị trường là 1,228 triệu.
Trên khắp các khu vực, giấy phép tăng trở lại ở miền Nam (7,7 phần trăm đến 659 nghìn), Tây (12,3 phần trăm đến 283 nghìn), Trung Tây (18,4 phần trăm đến 167 nghìn) và Đông Bắc (82,0 phần trăm đến 111 nghìn).
Với các thông tin cơ bản trên:
Gần đây tác giả hơi bận việc tí. Khi bắt đầu viết bài viết này là hôm chủ nhật 12/7/2020. Nhưng bị gián đoạn, đến thứ hai ngày 13/7/2020 (theo giờ VN) mới viết tiếp thì lúc này thị trường đã tăng lên mức điểm 322 rồi.
Hầu hết các số liệu kinh tế đã có dấu hiệu chạm đáy và đang bật tăng ngược trở lại. Và rồi mọi người lại đang nghi vấn cái câu hỏi: Liệu thị trường chứng khoán thúc đẩy nền kinh tế, hay nền kinh tế điều khiển thị trường chứng khoán? Và có thực sự là thị trường chứng khoán có thể hoàn toàn mất kết nối với nền kinh tế hay không?
Riêng với cá nhân tôi, thì câu trả lời là KHÔNG. Thị trường chứng khoán có thể không đồng điệu với nền kinh tế trong ngắn hạn nhất thời nào đó. Tuy nhiên, về dài hạn thị trường chứng khoán phải đồng điệu với nền kinh tế, và không bao giờ có chuyện hoàn toàn mất kết nối được.
Và cho dù có thực sự mất kết nối đi chăng nữa, thì Fed cũng chỉ xuất phát từ ý tốt. Như phía trên đã trình bày: Thị trường chứng khoán SPX – SPY mà giảm điểm quá sâu thì chẳng ai vui vẻ gì cả, đặc biệt là khối quỹ hưu trí của mọi người. Bởi thế gần đây Fed mới liên tục gợi ý rằng: Fed sẽ mua cổ phiếu khi thực sự cần thiết.
Trong ngắn hạn tạm thời, sự mất kết nối này sẽ giữ cho thị trường đi lên. Hay ít nhất thì cũng không giảm quá sâu. Một khi Fed còn duy trì chính sách như hiện nay thì thị trường cổ phiếu sẽ có được niềm tin rằng: Thị trường sẽ khó giảm sâu, nên không có rủi ro lớn… Vì luôn có Fed săn sàng bảo kê.
Một số khảo sát gần đây:
+ Số lượng nhà quản lý quỹ cho rằng thị trường còn giảm điểm (giảm cỡ 5-10%) vẫn còn rất cao
+ Tuy nhiên số lượng nhà quản lý quỹ cho rằng thị trường sẽ tăng điểm, hoặc có giảm cũng chỉ rất ít thì đã tăng lên rất đáng kể.
+ Có 1 điều mà phần lớn nhà quản lý quỹ đều đồng ý: Họ hiện tại chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, chứ không còn ngó ngang nhiều đến các thị trường quốc tế nữa.
+ Khảo sát cũng cho biết quan điểm rất bi quan về ngành du lịch và các sòng bạc.
+ Ngành du lịch vẫn là ngành được xem là tồi tệ nhất trong khoảng thời gian sắp tới.
+ Ngoài ra các sòng bạc (Người Châu Á thường sẽ liên tưởng đến Macao) cũng sẽ cùng chung cảnh ngộ. Khi nhiều chuyên gia tin rằng lĩnh vực sòng bạc vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. (tiêu biểu như: WYNN, LVS, MGM…)
Cần đặc biệt lưu ý khoảng thời gian sắp tới, với hàng loạt công ty cho ra các báo cáo kinh doanh. Và quan trọng hơn cả là mùa bầu cử đang ngày 1 đến gần.
Danh mục đầu tư của tác giả không có sự thay đổi so với tháng trước. Với tình huống VIX vẫn cao như này thì Buyer Options cố gắng đừng làm gì cả – Trừ trường hợp mua bảo hiểm. Còn Seller Options có thể sell 1 ít hợp đồng – điểm sell dưới MA200 cho yên tâm. Còn việc mua & nắm giữ SPY – bằng cách chia nhỏ nguồn tiền ra thành nhiều phần, và mua dần từ từ từng đợt thì vẫn có thể tiến hành bình thường.
Về góc độ phân tích kỹ thuật:
Các chuyên viên phân tích kỹ thuật đều cho rằng SPY sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sau những phiên dao động cực mạnh quanh mức 300 (đường kỹ thuật MA200) SPY lại càng được củng cố hơn ở mức hỗ trợ này.
Ngoài ra đường trung bình MA 50 đang trên đà tăng rất mạnh mẽ, và đã có dấu hiệu cắt theo hướng lên với đường MA200. Một trong những mô hình tăng giá kinh điển nhất trong phân tích kỹ thuật – Và điều này lại càng kinh điển hơn khi áp dụng cho chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ SPX – SPY.
Các vùng hỗ trợ | Các vùng kháng cự | Các vùng đề nghị |
312 – 310 | 323 – 325 | 303 – 300 |
303 – 300 | 333 – 335 | 285 |
290 – 285 | NA | NA |
Tỷ lệ P/E của SPY (tạm tính) hiện đang là: 27.78 |
HuiDa Wang – Vương Huy Đạt
Xem các bài phân tích SPY các tháng trước tại đây.
KHUYẾN CÁO
Các thông tin ở trên đều chỉ mang tính chia sẻ với mục đích tham khảo. Bài viết không có ý định và mục đích cấu thành những lời khuyên tài chính, đầu tư, giao dịch hay bất kỳ lời khuyên nào khác.
Bài viết không được phân tích như một sự xúi giục hay một yêu cầu mua hoặc bán bất kỳ chứng khoán nào. Các Thông tin không có ý tán thành hay khuyến nghị cho bất kỳ loại chứng khoán hay những phương tiện đầu tư khác.
Bài viết này dựa vào những thông tin đại chúng. Chungkhoanphaisinh.net cố gắng trong phạm vi có thể sử dụng thông tin đầy đủ và đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không khẳng định những thông tin đưa ra là hoàn toàn chính xác và đầy đủ. Người đọc cũng nên lưu ý rằng chungkhoanphaisinh.net không đảm bảo về tính chính xác, đầy đủ và kịp thời của dữ liệu mà chúng tôi cung cấp và sẽ không chịu trách nhiệm cho bất cứ sự thiệt hại nào liên quan đến việc sử dụng những dữ liệu đó.
No Responses