Tự quản lý danh mục đầu tư – Bạn đang đùa đấy à?

Các nhà đầu tư cá nhân hiện nay có rất nhiều cách thức để tiếp cận được luồng thông tin khổng lồ về thị trường tài chính. Từ các bài viết, bảng thống kê, số liệu báo cáo, tin tức tài chính, video tài chính, bản tin hàng ngày… v.v…

Nghe qua thì có vẻ tốt đẹp. Tuy nhiên điều này tạo nên sự bội thực về thông tin. Và thật khó để phân biệt được đâu là thực đâu là giả. Những vụ lừa đảo thì năm nào cũng thấy – Nhưng lạ cái là năm nào cũng có vụ mới.

Ngoài ra, chưa kể đến việc bản chất của thị trường tài chính đã là phức tạp, chia 5 xẻ 7. Đủ thứ phương pháp, cách thức… Người mới mà tự tìm hiểu thì chẳng khác nào bơi giữa đại dương thông tin mênh mông.

why

Phương pháp nào cũng có lý, phương pháp nào nghe cũng hay hay, và phương pháp nào nghe cũng có vẻ hiệu quả cả… Rõ khổ chưa, thế thì chọn cái nào? Phần lớn mọi người sẽ thử từng cái một (hồi đó tác giả cũng vậy, thử rất nhiều). Đó là điều hết sức bình thường với người mới bắt đầu tham gia thị trường. Đặc biệt là với các thị trường vẫn còn thiếu hụt rất nhiều sản phẩm tài chính như thị trường chứng khoán VN.

Thế rốt cuộc, nhà đầu tư cá nhân có nên “tự làm” hay không? Tự quản lý danh mục đầu tư – và tài khoản của chính mình hay không? Nào, cùng đi tiếp nhé.

Hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân

Trước tiên, đã có rất nhiều nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng: Các quỹ đầu tư chủ động, thường sẽ bị các quỹ đầu tư thụ động đánh bại về mặt dài hạn. Mức lợi nhuận mà những người góp vốn (đầu tư) thu được từ các quỹ đầu tư chủ động cũng thấp hơn rất nhiều.

Tương tự, các nghiên cứu thống kê cũng chỉ ra rằng: Các nhà đầu tư cá nhân tự làm – tự đầu tư – tự quản lý danh mục đầu tư… Có kết quả tệ hơn rất nhiều so với các quỹ đầu tư. Thậm chí còn thua luôn cả quỹ đầu tư chủ động, chứ đừng nói đến các quỹ đầu tư thụ động dạng mô phỏng ETFs như SPY.

Nhiều thống kê của các công ty môi giới lớn tại Hoa Kỳ, lấy dữ liệu từ 1993 đến 2019, đều chỉ ra rằng: Tỷ suất lợi nhuận của những tài khoản cá nhân tự làm có mức sinh lời rất thấp so với thị trường chung. Thậm chí là có rất nhiều tài khoản cá nhân đã cháy sạnh sành sanh. Còn với những tài khoản cá nhân sinh lời thì mức tỷ suất chỉ bằng khoảng phân nữa so với thị trường chung là SPY.

Tại sao nhà đầu tư cá nhân tự làm lại kém hiệu quả hơn?

Điều khác biệt rõ ràng nhất giữa các quỹ đầu tư (kể cả chủ động hay thụ động) và các tài khoản của nhà đầu tư cá nhân là thuộc tính hành vi – Chứ không phải là phương pháp phân tích nhận định thị trường.

Đúng là các quỹ đầu tư sẽ có nhiều tài lực hơn, nhiều thông tin hơn… Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự khác biệt về hiệu quả – Bằng chứng là các quỹ đầu tư vẫn bị úp bô và phá sản thua lỗ như thường.

Nguyên nhân chính là: Các quỹ đầu tư – thậm chí là Quỹ đầu cơ thường nắm giữ các khoản đầu tư. Còn các tài khoản cá nhân thì lại cố gắng xác định điểm vào & điểm ra.

Không hiểu sao có không ít người tin rằng: Các quỹ đầu cơ – giao dịch, họ ném phần lớn tài sản của mình vào việc làm “chây đơ” (trader). Tức là mua mua bán bán – xác định điểm vào & điểm ra liên tục (y như phim).

Thực tế thì họ chỉ trích khoảng chừng 10% tài sản của quỹ để trading mà thôi.

Phần lớn tài sản của các quỹ đầu cơ – giao dịch vẫn là BUY & HOLD (Mua và nắm giữ)

Cứ tham gia “chây đơ” được 1 khoảng thời gian là ai cũng trở nên “đơ đơ”. Bớt xem phim – và bớt tưởng tượng lại đi nha.

lướt sóng thua chắc

Tài chính hành vi

Giờ thì bạn biết lý do tạo nên sự chênh lệch về mức lợi nhuận (hiệu quả) giữa các quỹ đầu tư và tài khoản cá nhân rồi. Đó chính là liên tục mua mua bán bán – xác định điểm vào & điểm ra.

Thế điều gì đã thôi thúc các nhà đầu tư cá nhân làm điều đó? Đó chính là cảm xúc!

Điều này không có gì mới, phần lớn ai cũng biết – Vài đường google là ra cả núi tràng giang đại hải nói về cảm xúc khi giao dịch, rồi tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc trong giao dịch. Bla bla bla… rồi lại… bla bla bla…

Chỉ có điều làm sao để kiểm soát được cảm xúc khi giao dịch lại không nói.

Thực tế là bởi vì: Việc kiểm soát cảm xúc khi giao dịch, trong 1 khoảng thời gian dài là điều không thể. Nói cho nó sang mồm thôi, chứ thực tế chẳng có ai là con người mà kiểm soát được 100% cảm xúc (trừ Tam Tạng – Tây Du Ký).

Thế cho hỏi, giả sử kiểm soát được cảm xúc khi giao dịch rồi đó. Thế thì có chiến thắng các quỹ đầu tư không ? Câu trả lời ngắn gọn là KHÔNG – Và câu trả lời dài dòng thì vẫn là KHÔNGGG.

Bằng chứng là người ta đã lập trình & mô phỏng giả lập lại các phương thức xác định điểm vào & điểm ra để tạo thành những thuật toán tự động rồi (robot giao dịch). Kết quả là thua sấp mặt. Cho nên câu trả lời là KHÔNG.

Chỉ cần bạn mua mua bán bán liên tục – tức là cảm thấy tự hào về xác định điểm vào & điểm ra: Bạn sẽ nhận được kết quả tệ hơn các quỹ đầu tư (về dài hạn). Còn việc kiểm soát cảm xúc được hay không thì chỉ làm cho kết quả là tệ ít đi hay tệ hại đến mức cháy sạch mà thôi. Trọng tâm không phải là cảm xúc, trọng tâm là mua mua bán bán liên tục – tự hào về những thứ như điểm vào điểm ra mà chẳng chịu tìm hiểu về tính khả thi, xác suất, và hiệu quả thực sự về lâu dài của nó.

Nhất thời ngắn hạn có thể thắng – do ăn may. Nhưng về dài hạn thì KHÔNG. Hiển nhiên, bây giờ bạn không tin đâu. Và hồi đó tôi cũng vậy KHÔNG TIN.

Về dài hạn, các quỹ đầu tư thụ động luôn là người thắng cuộc sau cùng

Bạn không cần phải là 1 nhà phân tích tài chính – kế toán chuyên nghiệp. Bạn chỉ cần biết vài khái niệm cơ bản về toán học, về xác suất thống kê. Những điều mà ai học qua cấp 3 đều đã được biết đến cả rồi. Ôn lại chút xíu là được thôi à.

Lý do? Bởi vì nói khơi khơi bạn sẽ không tin, sẽ nghi ngờ. Thế thì bạn chỉ cần tự mình thống kê lại. Lấy bút lấy giấy ra mà thống kê từng con số đàng hoàng hẳn hoi, chứ không phải ngồi đó mà nhìn nhìn rồi nhấm nhấm mà ngẫm ngẫm. Kết quả có thể sẽ có đôi chút sai lệch tùy từng người. Tuy nhiên, rồi bạn sẽ hết hồn thôi. Tự thống kê đi – Để rồi sáng mắt ra.

Bạn chắc chắn cũng không cần phải biết đủ thứ màu mè hoa lá hẹ về phân tích kỹ thuật – Chỉ làm màu cho vui mắt thôi. Kết quả chẳng được tích sự gì đâu. Trên quan điểm cá nhân của tôi, thì bạn chỉ cần biết các đường MA là ok rồi. Riêng trường hợp của tác giả thì thích thêm 1 chỉ báo kỹ thuật là MACD.

Bạn không nên, và cũng không bao giờ nên tự quản lý danh mục đầu tư. Mà thay vào đó bạn nên tham gia các quỹ đầu tư thụ động – Có mức chi phí quản lý thấp. Còn việc tự giao dịch trading thì thôi, miễn bàn luôn đi nhé.

Bạn có thể chiến thắng thị trường chung SPY một cách đương đối đơn giản: Đó chính là mua & nắm giữ SPY. Rồi dùng các hợp đồng quyền chọn optons trong suốt quá trình nắm giữ SPY.

+ Khi thị trường xuống, tài khoản bạn cũng xuống theo, nhưng bạn sẽ ít thua lỗ hơn do có options.

+ Khi thị trường tăng, tài khoản bạn hiển nhiên cũng tăng theo, nhưng bạn sẽ tăng nhiều hơn chút ít. Cũng là câu đó, do có options.

Thế options là vạn năng à? Không, không hề, options không phải là vạn năng. Chính việc mua và nắm giữ các ETFs Index như SPY mới là vạn năng. Options chỉ là nhân tố phụ mà thôi.

Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.

No Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *