3 bước để xây dựng danh mục đầu tư cho riêng bạn
Trước khi xem nội dung của bài viết, tác giả cho rằng bạn nên xem qua bài viết này trước: Đa dạng hóa: Cách đơn giản nhất – dễ dàng nhất để giảm rủi ro khi đầu tư cho bạn.
Với thị trường chứng khoán của ngày nay, việc có 1 danh mục đầu tư được duy trì theo năm tháng lâu dài là yếu tố cực kỳ quan trọng – Đặc biệt là với các nhà đầu tư cá nhân.
Xây dựng 1 danh mục đầu tư chính là phân bổ nguồn vốn (tài sản) sao cho phù hợp nhất với mục tiêu đề ra. Mục tiêu thông thường của mọi người chính là: Mức lợi nhuận mong muốn – Và khả năng chấp nhận rủi ro. Còn những mục tiêu không bình thường thì kiểu như: Đầu tư cho oai – sĩ diện ảo, mang cái danh đầu tư đi khè thiên hạ, đầu tư vì đam mê kiểu như: khí tụ đan điền – cháy nạp thêm tiền… Những mục tiêu đó thì xin phép cho qua. Những người đó có hiểu đầu tư là gì đâu, nói chỉ tốn hơi. Dù cho bạn có lý luận cao siêu gì đi chăng nữa, đầu tư chỉ có 1 mục tiêu duy nhất là sinh lời – một cách thoải mái.
Vâng, mục tiêu của đầu tư luôn luôn phải là: Sinh lời – kèm với 1 điều kiện là cảm thấy thoải mái. Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi (tạm thời) bị mất mát 20% số vốn – hoặc hơn thế, thì hãy tham gia vào thị trường cổ phiếu. Còn nếu không, các thị trường khác như trái phiếu sẽ phù hợp hơn. Nói tóm lại: Đầu tư là phải sinh lời – Nếu không sinh lời, đến cả con chó cũng không tin bạn.
Bước 1: Xác định mục tiêu tài chính
Nếu không có mục tiêu, bạn chẳng đi được đến đâu cả. Điều đầu tiên mà bạn cần phải làm để xây dựng danh mục đầu tư chính là xác định mục tiêu tài chính cá nhân – càng rõ ràng càng tốt – càng chi tiết càng tốt.
Hãy bắt đầu bằng những thứ đơn giản như: Độ tuổi – thời gian dự kiến tham gia đầu tư. Số vốn hiện có để đầu tư, hàng tháng có thể trích lập bổ sung thêm bao nhiêu vốn?
Rồi đến những thứ có vẻ như phức tạp hơn – Phức tạp hơn là bởi vì nó đòi hỏi 1 số thứ mà người mới sẽ không đủ dự kiện để cho ra quyết định được. Phải tham khảo rất nhiều, hoặc là có ai đó hướng dẫn, hoặc là đã từng có đôi chút kinh nghiệm về đầu tư rồi: Mức lợi nhuận mong muốn và khả năng chấp nhận rủi ro. Nghe thì có vẻ đơn giản đấy. Nhưng không phải ai cũng làm được.
+ Không ít người không có mức lợi nhuận mục tiêu mong muốn – Mà chỉ trả lời chung chung là càng nhiều càng tốt – Hoặc tệ hơn là im lặng chẳng biết nói gì.
+ Còn 1 số người thì không biết gì về chấp nhận rủi ro – Cứ cháy là lại nạp thêm tiền. (bài viết về lớp tài sản sẽ giải thích chi tiết hơn – đang viết chưa xong)
Một người mới tốt nghiệp đại học – 22 tuổi – chưa lập gia đình cần một chiến lược đầu tư khác với một người 55 tuổi đã kết hôn và chuẩn bị cho việc nghỉ hưu trong những năm sắp tới.
Còn về khả năng chấp nhận rủi ro. Ai ai cũng muốn có mức lợi nhuận càng cao càng tốt. Tuy nhiên, nếu bạn bị mất ngủ (khó ngủ) vào ban đêm, khi các khoản đầu tư của bạn bị tạm thời giảm đi trong ngắn hạn. Rất có thể mức lợi nhuận cao từ những loại tài sản (đầu tư) đó không đáng để bạn phải căng thẳng và tham gia.
Bước 2: Thiết lập danh mục đầu tư
Khi đã xong bước 1 – Tức là biết rõ chính mình có gì và mong muốn cái gì, mức rủi ro cao nhất có thể chấp nhận được. Bạn đến với bước 2 chính là phân chia nguồn vốn của mình vào các loại tài sản phù hợp với mục tiêu ở bước 1.
Nếu ở thị trường chúng khoán Mỹ, mọi thứ khá đơn giản và dễ dàng. Thực sự mà nói là với chứng khoán Mỹ bạn có thể tiến hành mua mọi thứ thông qua thị trường chứng khoán. Về căn bản là mọi thứ đều đã được chứng khoán hóa.
+ Muốn mua vàng, có mã chứng khoán Vàng – Thí dụ như GLD
+ Muốn mua bạc, có mã chứng khoán bạc – Thí dụ như SLV
+ Muốn mua dầu, có mã chứng khoán dầu – Thí dụ như USO
+ Muốn mua bất động sản, có mã chứng khoán bất động sản – Thí dụ như VNQ
Tuy nhiên, để cho phù hợp với nhiều người hơn, cho nên trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ nói đến 3 nhóm tài sản cơ bản nhất là:
+ Tiền mặt, tiền trong ngân hàng – Hoặc là các mã chứng khoán có chức năng tương đương tiền (thường là trái phiếu kho bạc siêu ngắn hạn, kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng).
+ Trái phiếu, quỹ trái phiếu
+ Cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ ETFs
Về 1 danh mục đầu tư dạng căn bản, chúng ta phải có tối thiểu 3 nhóm này: Tiền mặt, trái phiếu và cổ phiếu. Về phần tiền mặt thì không có gì đáng để nói. Nếu trường hợp nhiều tiền mặt quá thì chia ra: 1 số ít để nhà, số còn lại gửi gân hàng – gửi nhiều ngân hàng khác nhau… Hoặc bạn cũng có thể mua 1 số trái phiếu kho bạc siêu ngắn hạn của Hoa Kỳ. Thí dụ như mã chứng khoán này: BIL
Về trái phiếu và cổ phiếu thì hơi phức tạp. Vì cả trái phiếu và cổ phiếu đều được chia ra làm rất nhiều loại khác nhau. Mỗi một loại lại có những đặc điểm rủi ro và lợi nhuận tiềm năng khác nhau. Nếu muốn quản lý chuyên nghiệp – tốt hơn hết bạn nên có người hướng dẫn hay người tư vấn.
Còn nếu muốn tự làm, thì bạn chỉ việc chia phần vốn của trái phiếu thành 3 – 5 phần, rồi phân bổ vào 3 – 5 quỹ đầu tư trái phiếu (nếu không rành thì tốt nhất là nên chọn quỹ trái phiếu tổng hợp – hỗn hợp)
Trường hợp cổ phiếu cũng tương tự, chia phần vốn dành cho cổ phiếu thành 3 – 5 phần, rồi phân bổ vào 3 – 5 quỹ ETFs khác nhau. (nên ưu tiên chọn ETFs).
Bước 3: Định kỳ đánh giá lại (Tái cân bằng)
Khi bạn đã có một danh mục đầu tư hoàn chỉnh. Việc còn lại chính là định kỳ (thường là hàng năm – hoặc các trường hợp ngoại lệ như mất cân bằng quá lớn) bạn cần phải xem xét và đánh giá lại tổng thể danh mục đầu tư của chính mình.
Ngoài ra, theo thời gian, các mục tiêu ban đầu cũng có thể đã thay đổi, thí dụ như hồi trước bạn không muốn rủi ro lớn. Giờ thì mức độ chấp nhận rủi ro của bạn đã tăng lên (hoặc ngược lại) thì danh mục đầu tư chắc chắn cần phải có sự thay đổi theo.
Cũng theo thời gian và năm tháng. Rất có thể phần vốn về cổ phiếu của bạn đã tăng trưởng nhiều lên. Vượt qua mức phần trăm mục tiêu ban đầu quá nhiều. Thì bạn có thể bán bớt 1 phần cổ phiếu – quỹ cổ phiếu ETFs đi.
Thí dụ như lúc ban đầu bạn phân bổ 40% cho cổ phiếu. Giờ đây phần cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh và chiếm đến 80% tổng danh mục của bạn. Thì bạn có thể bán bớt 1 số cổ phiếu đi. Sao cho con số này quay về lại khoảng khoảng con số mong muốn – Nếu mục tiêu của bạn không có gì thay đổi thì đó vẫn là con số 40% như ví dụ. Còn nếu như mục tiêu ban đầu đã có thay đổi thì bạn thay đổi theo.
Điểm mấu chốt
Trong suốt quá trình xây dựng – thiết lập – tái cân bằng danh mục đầu tư, bạn cần phải duy trì sự đa dạng hóa của danh mục.
Ở chứng khoán VN thì hơi phức tạp. Tuy nhiên, nếu ở chứng khoán Mỹ thì bạn nên duy trì sự đa dạng hóa bằng cách mua các quỹ ETFs, chứ không nên mua trực tiếp từng cổ phiếu riêng lẻ. Còn về trái phiếu cũng vậy, bạn nên mua các mã chứng khoán của quỹ trái phiếu chứ không phải trái phiếu của 1 công ty riêng lẻ nào đó.
Điểm mấu chốt chính là: ĐA DẠNG HÓA.
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
No Responses